xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tràm Chim đối mặt thách thức

Bài và ảnh: Thốt Nốt

Vừa được công nhận là khu Ramsar thứ 2.000 của thế giới, Vườn Quốc gia Tràm Chim đã khẳng định nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện Công ước Ramsar nhưng đang gặp rất nhiều khó khăn

img
Hiện chỉ còn 50-60 con sếu đầu đỏ về Vườn Quốc gia Tràm Chim
Vườn Quốc gia (VQG) Tràm Chim (huyện Tam Nông - Đồng Tháp) là vùng đất ngập nước duy nhất còn sót lại lớn nhất ở Đồng Tháp Mười, với diện tích 7.313 ha, có sinh cảnh độc đáo bậc nhất Đông Nam Á và là một trong 8 vùng chim quan trọng của Việt Nam. Nơi đây có 232 loài chim, 130 loài cá, 174 loài thực vật nổi với 6 quần xã đặc trưng, trên 110 loài động vật đáy và các loài lưỡng cư, bò sát…

Sếu đầu đỏ vắng dần

Tuy nhiên, VQG Tràm Chim đang đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức trong việc bảo tồn và phát huy sự đa dạng sinh học của vùng đất ngập nước. Trong đó, một số loài chim được ghi vào Sách đỏ Việt Nam và thế giới đang giảm nhanh về số lượng. Đơn cử, năm 1988, số lượng sếu đầu đỏ bay về đây khoảng 70% (1.050/1.500 con trên thế giới) thì hiện chỉ còn 50-60 con.

Lão nông Nguyễn Văn Lì (ngụ xã Phú Đức, huyện Tam Nông – Đồng Tháp) cho biết năm 1963, gia đình ông được cấp 4 ha đất để khẩn hoang trồng lúa. Những năm đầu ông đến đây, xung quanh chỉ toàn một màu xanh ngút ngàn của rừng tràm và cỏ dại. “Lúc đó, cứ đến đợt thu hoạch lúa là nông dân rất sợ loài chim suốt ăn đêm. Chỉ cần một đêm, đàn chim khổng lồ này có thể ăn không còn một hạt lúa. Còn ban ngày, nếu phát hiện cả ngàn con sếu đầu đỏ bay rợp trời, chủ ruộng phải đánh vào thùng thiếc tạo tiếng động để chúng hoảng sợ mà bay đi” – ông Lì nhớ lại.

Theo ông Lì, sếu đầu đỏ thường quay về Tràm Chim từ tháng 2-3 âm lịch hằng năm để kiếm ăn. Tuy nhiên, sếu đầu đỏ rất dễ bị con người sát hại trong thời gian này vì họ lo sợ nó phá hoại mùa màng hoặc đơn giản chỉ lấy thịt làm thức ăn dự trữ. “Nhiều người còn dùng lúa ướt trộn thuốc độc rải ra ruộng, sếu đầu đỏ ăn rồi chết trắng đồng” - ông Lì cho biết. 

Từ năm 2000 trở lại đây, số lượng sếu đầu đỏ ngày càng giảm dần và thỉnh thoảng người ta mới thấy được vài đàn sếu nhỏ với vài chục con bay vào sâu trong vùng đệm kiếm ăn. Tuy nhiên, cũng có nhiều người rất yêu quý loài chim này bởi chúng là “chuyên gia” về dự báo thời tiết. Theo kinh nghiệm dân gian, hôm nào đàn sếu lượn lờ trên cao và cất tiếng kêu to bất thường thì 1-2 ngày sau đó thế nào cũng có trận mưa to.

Chịu rất nhiều áp lực

Khu Ramsar Tràm Chim đang chịu rất nhiều áp lực về tình trạng gia tăng dân số. Một bộ phận dân cư đã lén lút xâm nhập VQG khai thác trái phép, dùng xung điện săn bắt cá và các loại động vật quý hiếm. Tình trạng các hộ dân tự ý đưa trâu, bò, gà, vịt vào VQG vẫn còn phổ biến. Mỗi năm vào mùa khô, VQG Tràm Chim luôn đối mặt với nạn cháy rừng do một số người dân bất cẩn trong sử dụng lửa để khai thác mật ong...

Hiện VQG Tràm Chim cũng đang từng ngày chịu ảnh hưởng không nhỏ từ các sinh vật ngoại lai như ốc bươu vàng, làm hạn chế nguồn dự trữ thức ăn chính của nhiều loài chim quý. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực phục vụ VQG này còn hạn chế về số lượng lẫn chất lượng.

Theo định hướng phát triển khu Ramsar Tràm Chim, lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Tháp và VQG đã đưa ra một số giải pháp mang tính định hướng, như: tăng cường tuyên truyền giáo dục để nâng cao nhận thức bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường; xây dựng và thực hiện cơ chế quản lý có sự tham gia của cộng đồng; nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý và tăng cường lực lượng bảo vệ VQG; xây dựng đề án bảo tồn và phát triển VQG từ nay đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030...

Cần cộng đồng góp sức

Ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc VQG Tràm Chim, cho biết vấn đề nan giải đặt ra ở khu Ramsar mới này là tìm sự tương tác giữa chống cháy để bảo vệ môi trường với sự đa dạng sinh vật. Việc đốt đồng rất dễ gây ra cháy rừng, ảnh hưởng đến môi trường sống của vài loài chim quý hiếm nhưng lại làm tăng sự đa dạng đối với một số sinh vật khác. Những nơi đồng trống do cháy rất thích hợp cho gà rừng, le le, nhạn đất… sinh sản, tìm thức ăn.

“Chúng tôi cam kết thực hiện tốt giải pháp bảo tồn và sử dụng khôn khéo khu Ramsar Tràm Chim. Tuy nhiên, chỉ sự nỗ lực của tập thể CB-NV của VQG là chưa đủ mà rất cần sự giúp đỡ, chung tay của các cấp, ngành, các nhà khoa học và người dân” - ông Hùng bày tỏ.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo