TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Vũng Tàu - khu trọng điểm kinh tế phía Nam - đang bị khoảng 40 trạm thu phí vây ráp. Trong thời gian ngắn nữa, hệ thống trạm thu phí này lại tăng lên, đồng nghĩa với việc túi tiền của người dân phải tiếp tục teo tóp.
Không ai phản đối chủ trương xã hội hóa xây dựng cơ sở hạ tầng nhưng những gì diễn ra trên thực tế đã cho thấy sự “biến dạng” đáng lo ngại của chủ trương này. “Kinh tế đất nước thời gian qua chưa hết khó khăn, thu nhập của người dân còn eo hẹp nhưng cứ thu phí kiểu này thì làm sao doanh nghiệp sống nổi, làm sao người dân chịu đựng được? Nói cho cùng, tiền thu phí này cũng đổ lên đầu người dân, chỉ có doanh nghiệp làm đường là an nhàn, sống khỏe” - bạn đọc Lý Thu Hằng bày tỏ.
Trạm thu phí dày đặc đã trở thành gánh nặng của người dân
Nhiều bạn đọc dẫn chứng cụ thể: “Từ Đồng Nai vào TP HCM chỉ khoảng 40 km nhưng phải “cống nạp” cho 3 trạm thu phí tổng cộng 100.000 đồng (xe 7 chỗ ngồi). Ngay cả tiền xăng dầu để đi qua đoạn đường này cũng thấp hơn cả tiền đóng phí qua trạm. Chi phí vận chuyển được tính lên giá thành của doanh nghiệp và cuối cùng thì người tiêu dùng gánh chịu. Việc thu phí vô tội vạ như hiện nay đi ngược lại hoàn toàn các chủ trương phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm cuộc sống ổn định của người dân”.
Tại nhiều địa phương khác, tình trạng thu phí cũng “rát” không kém. Bạn đọc Tuấn Anh phản ánh: “Từ Hà Nội đi Nam Định chỉ 90 km nhưng có đến 3 trạm thu phí. Một xe dưới 9 chỗ ngồi qua đoạn đường này mất 95.000 đồng”.
Thông tư 90/2004 và 159/2013 của Bộ Tài chính quy định cự ly tối thiểu giữa 2 trạm thu phí là 70 km. Thế nhưng, những gì diễn ra trên thực tế đã sổ toẹt các thông tư này. Các cơ quan liên quan và lãnh đạo một số địa phương cho rằng thông tư quy định không cụ thể nên không áp dụng được. Nhiều bạn đọc thẳng thắn cho rằng lý do này là ngụy biện, lấp liếm cho nhau mà thôi.
“Không nói ra thì ai cũng hiểu lợi nhuận của việc làm đường, thu phí không chỉ chảy vào túi doanh nghiệp và không phải doanh nghiệp nào cũng “được” làm đường, thu phí. Những gì tạo gánh nặng cho dân thì phải thay đổi cho phù hợp. Mọi việc nằm trong tay lãnh đạo các ngành, các địa phương, vấn đề là họ có muốn thay đổi hay không mà thôi” - bạn đọc Phủ Lý nhìn nhận.
Bình luận (0)