H iện UBND tỉnh Khánh Hòa đang chỉ đạo các ngành rà soát đất rừng của Chương trình 327 để giao lại cho người dân. Trước mắt sẽ giao gần 320 ha cho 639 hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo thiếu đất sản xuất.
Từ chủ đất thành người làm thuê
Bà Lý Thị Kim ( ngụ thôn Hòn Lây, xã Khánh Hiệp, huyện Khánh Vĩnh) cho biết năm 1996 gia đình bà góp hơn 5 ha đất vào Chương trình 327 để trồng cây keo, đào, dầu với cam kết được hỗ trợ tiền chăm sóc là 5 triệu đồng/ha trong 3 năm. Sau khi thu hoạch, diện tích trồng keo, đào sẽ giao cho người dân thu hoạch, còn diện tích trồng cây dầu thì nhà nước thu hoạch và chia lại cho người dân 30%. Tuy nhiên, từ đó đến nay bà Kim chỉ nhận được tiền hỗ trợ 2 năm và diện tích đất góp trồng rừng vẫn chưa được trả lại.
Ông Nie Y Don (ngụ xóm Y Bảo, xã Khánh Hiệp) cho biết: “Toàn bộ hơn 2 ha đất sản xuất của gia đình sau khi đưa vào Chương trình 327 gần như mất trắng. Tôi và vợ phải làm thuê cả chục năm nay để nuôi cha mẹ già chứ không được thu hoạch gì từ diện tích đất đã góp cho chương trình”. Cùng tình trạng trên, ông Nguyễn Cao Quá, người bị “mất” 5,4 ha đất bức xúc: “Đất của chúng tôi nhưng chính quyền tự ý chuyển giao từ Chương trình 327 qua Lâm trường Bắc Khánh Vĩnh (nay là Công ty Lâm nghiệp Trầm Hương) quản lý. Năm 2006, chúng tôi mới biết và nhiều lần gửi đơn yêu cầu trả lại đất nhưng không ai giải quyết”.
Theo Ban Dân tộc tỉnh Khánh Hòa, ở huyện Khánh Vĩnh, từ năm 2004, có khoảng 658 ha đất của hàng trăm hộ dân bị chuyển cho Công ty Lâm nghiệp Trầm Hương sau khi Chương trình 327 chấm dứt. Cách đây mấy năm, UBND huyện Khánh Vĩnh đề nghị hoàn trả cho Công ty Lâm nghiệp Trầm Hương 2 tỉ đồng tiền doanh nghiệp này đã đầu tư trồng, chăm sóc rừng để lấy lại diện tích đất trên nhưng doanh nghiệp này ra giá... 26,32 tỉ đồng.
Theo người dân huyện Khánh Vĩnh, sau khi Công ty Lâm nghiệp Trầm Hương thu diện tích đất của dân làm rừng phòng hộ đã chia lại cho cán bộ, công nhân của công ty để trồng rừng tại xã Khánh Bình, Khánh Đông…
Khi nào được trả đất?
Ngày 13-12-2013, UBND tỉnh Khánh Hòa có văn bản chỉ đạo UBND huyện Khánh Vĩnh tổ chức thực hiện giao đất lần đầu với diện tích gần 320 ha cho 639 hộ dân nghèo, thiếu đất sản xuất. Số diện tích còn lại khoảng 955 ha huyện sẽ tiếp tục rà soát, xác minh để tiếp tục giao cho người dân. Ông Lê Văn Hoa, Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh, cho biết huyện đang lên phương án giao đất cho người dân trên tinh thần vừa bảo đảm quyền lợi cho dân vừa bảo vệ được rừng.
Tuy nhiên, việc bóc tách đất chia lại cho người dân cũng vấp nhiều ý kiến khác nhau. Ông Nguyễn Trung - trưởng thôn Hòn Lây, UBND xã Khánh Hiệp - cho biết việc cấp trên yêu cầu thôn lập danh sách người nghèo để chia đất khiến nhiều người có đất giao cho Chương trình 327 trước đây nhưng không phải hộ nghèo phản đối. “Những hộ dân mất đất đòi phải lấy lại hết số diện tích đất của họ đã góp cho Chương trình 327, nếu có chia cho người nghèo thì chỉ chấp nhận nhường từ 20%-30% diện tích” - ông Trung nói.
Ông Trần Minh Thuận, Chủ tịch UBND xã Khánh Bình, băn khoăn: Cần xem xét hoàn cảnh những hộ nghèo vì rất nhiều hộ nghèo trước kia có đất nhưng đã bán hết thì không nên chia thêm nữa. Ngoài ra, số diện tích đất giao cho công nhân Công ty Lâm nghiệp Trầm Hương sử dụng là rất lớn. Họ đã đầu tư khá nhiều công sức, nếu thu hồi thì không công bằng với họ.
Ông Nguyễn Văn Hào, Phó Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Trầm Hương, cho biết đơn vị này và chính quyền đã họp bàn nhiều lần, các bên thống nhất những diện tích nào bóc tách được thì đã bóc tách cho người dân. Trong năm 2013, công ty đã bóc tách khoảng 283 ha từ diện tích đất của Chương trình 327 giao lại cho địa phương để chia lại cho người dân. Số diện tích đất của Chương trình 327 còn lại khoảng mấy trăm ha đang được xác minh chủ sở hữu.
Tiền bán cây đã nộp ngân sách
Với ý kiến của người dân về việc họ không được hưởng lợi từ khai thác rừng trên diện tích đất mà họ đã góp vào Chương trình 327, ông Nguyễn Văn Hào cho rằng Công ty Lâm nghiệp Trầm Hương nhận đất Chương trình 327 theo chủ trương của tỉnh. Công ty không rõ việc thỏa thuận trước kia giữa Chương trình 327 với người dân như thế nào. Toàn bộ số tiền thu được từ việc bán cây trên diện tích đất này phải nộp vào ngân sách.
Bình luận (0)