Dự án khu nhà vườn sinh thái nông nghiệp công nghệ cao xã Đồng Quang và xã Cấn Hữu (huyện Quốc Oai, Hà Nội; gọi tắt là dự án nhà vườn sinh thái) có diện tích 397,9 ha do 8 doanh nghiệp (DN) đầu tư. Dự án được các cấp có thẩm quyền của tỉnh Hà Tây (cũ) phê duyệt quy hoạch chi tiết, phương án bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng (GPMB)… Các nhà đầu tư đã ứng vốn thực hiện công tác bồi thường và GPMB cơ bản sạch với 116,6 ha từ năm 2008.
Dự án nào có trước?
Do mở rộng địa giới hành chính thủ đô Hà Nội, toàn bộ tỉnh Hà Tây (cũ) sáp nhập TP Hà Nội nên dự án này tạm dừng để rà soát theo quy hoạch chung của thủ đô Hà Nội mở rộng. Tháng 10-2013, UBND TP Hà Nội cho phép dự án tiếp tục triển khai. Tuy nhiên, đến tháng 4-2016, các nhà đầu tư được biết dự án đường dây 220 KV và 500 KV do Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Bắc (NPMB) là chủ đầu tư chồng lấn vào dự án nhà vườn sinh thái.
Trong khi đó, ông Đỗ Đức Mạnh, Trưởng Phòng Đền bù NPMB, cho hay dự án đường dây điện nói trên đã được thỏa thuận hướng tuyến vào năm 2011. Tại thời điểm này, dự án nhà vườn sinh thái đang bị tạm dừng, chưa có quyết định chính thức về việc có được tiếp tục thực hiện hay không. “Dự án chúng tôi đã có, họ làm sau chứ không phải làm trước” - ông Mạnh phân trần. Cũng theo ông Mạnh, thời điểm bắt đầu khởi công đường dây, chủ dự án nhà vườn sinh thái vẫn chưa làm gì trên khu đất và cũng không phản hồi sớm. Đến khi nhà đầu tư đường dây được phép thu hồi đất, bồi thường, đặt móng xong mới nhận được sự phản ứng của chủ dự án nói trên.
“Đúng là huyện Quốc Oai có văn bản yêu cầu chủ đầu tư đường điện phải liên hệ với nhà đầu tư các dự án để cập nhật quy hoạch. Tuy nhiên, lên đến TP thì TP lại giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc phụ trách việc này vì sở làm quy hoạch cho cả TP thì phải cập nhật để điều chỉnh cho phù hợp. Hơn nữa, chính huyện Quốc Oai thông báo cho chủ đầu tư đường dây điện về phương án thu hồi đất, bồi thường, thi công đường dây chứ chúng tôi không hề làm trái phép” - ông Mạnh nói thêm.
Báo cáo không đúng?
Trước bức xúc của các nhà đầu tư, vừa qua, Sở Công Thương TP Hà Nội đã triệu tập cuộc họp dưới sự chủ trì của ông Lê Hồng Thăng, Giám đốc Sở Công Thương, với các bên liên quan.
Sau cuộc họp, ông Thăng đã có văn bản báo cáo lãnh đạo UBND TP Hà Nội với nội dung: “Sau khi Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Bắc báo cáo vướng mắc và tiến độ thực hiện dự án, ý kiến thống nhất của đại diện các nhà đầu tư dự án nhà vườn sinh thái, hội nghị thống nhất phương án để chủ đầu tư dự án tiếp tục xây dựng công trình đường dây theo hướng tuyến đã được TP chấp thuận”.
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên, ông Đào Tiến Dũng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Hải Phát, đại diện các nhà đầu tư dự án nhà vườn sinh thái, nói: “Việc giám đốc Sở Công Thương báo cáo rằng đại diện các nhà đầu tư thống nhất phương án tiếp tục xây dựng công trình đường dây 220 KV là hoàn toàn không đúng. Đây là ý chí chủ quan và áp đặt của lãnh đạo sở. Trước sau như một, quan điểm của chúng tôi là đề nghị điều chỉnh hướng tuyến đường dây 220 KV và 500 KV ra khỏi đất của dự án”.
Ông Đỗ Lai Luật, Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai, cũng xác nhận: “Trong phần phát biểu của mình, đại diện các nhà đầu tư khẳng định có đầy đủ văn bản pháp lý của các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch dự án, họ cũng đã bỏ kinh phí rất lớn cho dự án. Vì vậy, không ai đồng ý cho đường dây điện chạy cắt ngang dự án của mình”.
Về phía NPMB, việc tạm dừng thi công đường dây điện cũng khiến đơn vị này bị thiệt thại. Gần đây nhất, NPMB gửi văn bản cho huyện Quốc Oai và xã Cấn Hữu, nêu rõ: “Việc yêu cầu điều chỉnh hướng tuyến để tránh dự án nhà vườn sinh thái là không có cơ sở pháp lý và trái quy định vì Nghị định 14 của Thủ tướng Chính phủ cho phép tồn tại công trình xây dựng dưới hành lang tuyến đường điện 220 KV bảo đảm các quy định của nghị định. UBND huyện Quốc Oai tạm dừng thi công gây ảnh hưởng đến tiến độ đóng điện của dự án là không phù hợp với quy định”.
Tiếp tục thi công đường dây 220 KV
Ông Đỗ Lai Luật cho biết tại cuộc họp, giám đốc Sở Công Thương cũng xác định dự án đầu tư mà có đường điện 500 KV và 220 KV chạy qua thì không ai dám đến gần để ở. “Tuy nhiên, căn cứ vào 2 vấn đề: nhu cầu điện của TP Hà Nội và khả năng cấp điện, nếu điều chỉnh hướng tuyến đường dây 220 KV sẽ mất khoảng hơn 8 tháng, không bảo đảm tiến độ và nhiều khả năng TP bị thiếu điện. Vì vậy, đường dây 220 KV vẫn sẽ tiếp tục thi công mà không điều chỉnh hướng tuyến, còn đường dây 500 KV điều chỉnh hướng tuyến ra bên ngoài đất dự án của các nhà đầu tư” - ông Luật dẫn lời giám đốc Sở Công Thương.
Bình luận (0)