Mỗi ngày nước ta có khoảng 10 trẻ tử vong do đuối nước, cao gần chục lần so với các nước phát triển. Những con số đáng buồn ấy vẫn hiển hiện như trêu ngươi sau bao nhiêu nỗ lực. Nhiều hội thảo, chuyên đề đã triển khai, nhiều biện pháp được đề ra nhưng dường như hiệu quả tích cực của nó thì còn lắm chuyện phải bàn.
Công tác phổ cập bơi lội vẫn đang lên kế hoạch trên giấy. Ngoại trừ một số địa phương quyết liệt đưa môn bơi lội vào trong trường học, còn lại vẫn đổ lỗi hoàn cảnh thiếu kinh phí, thiếu giáo viên, thiếu sự đồng thuận từ phụ huynh… Chương trình phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em đã được triển khai với mục tiêu giảm tỉ lệ tử vong do đuối nước xuống khoảng 15% vẫn chưa về đích. Truyền thông liên tục cảnh báo nhưng cứ mỗi khi hè về thì nỗi lo trẻ đuối nước tăng cao vẫn lặp lại, đầy nhức nhối.
Lọt hố công trình tử vong không phải là hiện tượng hiếm gặp ở nước ta. Thỉnh thoảng trên mặt báo lại xuất hiện những cái chết đầy oan ức do sự vô tâm, thiếu ý thức của đơn vị thi công. Những công trình thi công dang dở ngập nước không hề được che chắn, tuyệt nhiên không có biển cảnh báo vẫn thản nhiên tồn tại, biến thành cái bẫy chết người rình rập những bước chân non nớt, ham vui của trẻ nhỏ.
Ai chịu trách nhiệm về những cái chết đó?
Tiền bạc, lời xin lỗi, nhận trách nhiệm có đủ làm vơi nỗi đau mất con trong tâm can bậc sinh thành? Bao giờ các đơn vị thi công nâng cao ý thức bảo đảm an toàn cho người dân bằng cách gắn biển cảnh báo và thực hiện phương án che chắn công trình cẩn thận…? Những câu hỏi ấy còn mông lung câu trả lời về trách nhiệm và ý thức thay đổi.
Tuy nhiên, điều quan trọng, cấp thiết mà cả xã hội đang mong chờ chính là sự tích cực của cơ quan chức năng trong việc quy trách nhiệm và xử lý nghiêm khắc quá trình thi công cẩu thả, hời hợt của đơn vị liên quan.
Đã đến lúc bất kỳ hành động nào coi thường tính mạng con người cũng cần phải bị trả giá thích đáng trước pháp luật.
Bình luận (0)