xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Trẻ vắng tình thương và vấn đề lao động tha hương

Trịnh Minh Giang

Nhà hoạch định chính sách cần chia sẻ và đồng cảm với người dân thuộc phạm vi quản lý của mình

Gần Tết Nguyên đán, việc về quê của một bộ phận không nhỏ công nhân, người lao động ở TP HCM và nhiều địa phương khác thực sự là vấn đề nan giải.

Cần tạo việc làm hợp lý nhất

Đó là một hành trình gian nan của chính người lao động, là bài toán mà các doanh nghiệp phải đau đầu tìm đáp án hợp lý, là gánh nặng đối với một số địa phương… Tổng hợp những trăn trở này, một câu hỏi lớn lại được sinh ra, đó là làm thế nào để giải quyết câu chuyện của lao động xa nhà.

Chúng ta hẳn còn nhớ sự việc 3 học sinh THCS ở Phú Tân (Cà Mau) tuổi 11 đến 14 đạp xe vượt quãng đường hàng trăm km tìm cha mẹ vì "nhớ", vào năm 2020. Có thể có nhiều góc độ tiếp cận đối với chuyện này, tùy theo vị trí và sự quan tâm của từng người.

Chẳng hạn, các bậc làm cha mẹ có con trong độ tuổi thiếu niên sẽ nghĩ đến việc hướng dẫn con cách thức ứng xử trong trường hợp tương tự nhằm tránh rủi ro kích thích những tính khí "bốc đồng", quyết vượt đường xa như thế. Hay có người sẽ nghĩ đến nghĩa vụ thường xuyên gần gũi con cái không phải chỉ để dạy dỗ tốt hơn mà còn đáp ứng một nhu cầu chính đáng của con là được sống gần cha mẹ. Hay việc quản lý con cái của người lớn trong gia đình cần chú ý ở những điểm nào để chia sẻ, thấu hiểu cảm xúc của trẻ, tránh những hành động bột phát…

Dưới góc độ quản lý, những nhà hoạch định chính sách cần có góc nhìn vĩ mô hơn khi nghĩ đến hàng trăm ngàn trường hợp cha mẹ phải đi làm ăn xa, để lại con trẻ ở quê cho ông bà hoặc họ hàng trông nom mà đề xuất, xây dựng các chính sách phù hợp.

Đó là làm sao tạo việc làm cho lao động ở các vùng nông thôn một cách hợp lý nhất chứ không phải cố gắng tìm việc cho họ bằng mọi cách. Đó là giải quyết việc làm ở nơi sinh sống của người lao động và hạn chế việc di dân, bởi việc di dân có thể gây ra nhiều hệ lụy cho chính bản thân người rời quê và các địa phương liên quan.

Đó là bảo đảm người lao động ngoài thời gian làm việc còn có thể có thời gian chăm sóc gia đình, tự học tập, thực hiện các việc chăm sóc sức khỏe tinh thần và thể chất của bản thân... Bởi, suy cho cùng đây là những điều kiện mang tính nền tảng của chất lượng lao động.

Nếu nhà quản lý chưa nghĩ đến những điều đó hoặc có nghĩ nhưng chưa tìm ra được giải pháp nào khả dĩ thì coi như chưa làm trọn chức trách của mình, chưa chia sẻ và đồng cảm với người dân thuộc phạm vi quản lý của mình.

Trẻ vắng tình thương và vấn đề lao động tha hương - Ảnh 1.

Hình ảnh người lao động tay xách nách mang lũ lượt về quê đón Tết bên gia đình luôn mang lại cảm giác trĩu nặng cho bất cứ ai Ảnh: NGÔ NHUNG

Nên có nhiều "giải pháp vệ tinh"

Lấy ví dụ trường hợp của Đồng Nai, là tỉnh có nhiều khu công nghiệp. Mỗi khu công nghiệp thường xuyên thu hút lao động từ các địa phương khác trong tỉnh và từ các tỉnh, thành khác.

Ta thử hình dung, mỗi buổi sáng, từ lúc 5 giờ, người lao động từ huyện Định Quán phải thức dậy và đón xe đưa rước để đến Khu Công nghiệp Bàu Xéo (huyện Trảng Bom) làm việc lúc 7 giờ 30 và buổi chiều về đến nhà khoảng 18 giờ (không kể tăng ca). Trong tình huống như trên, với những người có con trong độ tuổi đi học, họ sẽ quan tâm, chăm sóc con cái ra sao? Bản thân họ họp phụ huynh cho con lúc nào? Làm sao để đưa con đi bệnh viện nếu bất chợt trong giờ học con bị ốm? Họ sẽ cùng học bài và chơi đùa với con ra sao trong khoảng thời gian ngắn ngủi còn lại trong khi còn phải lo giải quyết cho bao nhiêu nhu cầu khác?

Ngoài ra, người lao động đó sẽ có thể tự học tập vào lúc nào, giải trí ở đâu và trong bao lâu, có thể đi khám chữa bệnh với các bệnh thông thường không hay tự mua thuốc uống cho giảm các triệu chứng…?

Đó là mới nói người lao động di chuyển trong nội tỉnh, còn nếu người từ miền Trung, miền Bắc vào Đồng Nai, Bình Dương hay TP HCM làm việc (mà không thể định cư lâu dài) thì sẽ gặp những thử thách gì?

Từ đó có thể thấy, vấn đề giải quyết lao động tại chỗ nên được quan tâm nhiều hơn nữa. Có một dạo ở một số địa phương, người lao động được khuyến khích và được tạo điều kiện từ cơ quan chức năng và đơn vị môi giới lao động để ứng tuyển đến những nơi nhiều khu công nghiệp đang "khát" công nhân hoặc đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài.

Về hình thức, điều đó giúp bản thân người lao động có việc làm, có thu nhập (một số trường hợp có thu nhập cao và số ít khác còn có khả năng phát triển nghề nghiệp), đồng thời giúp cho nơi họ đến tăng tỉ lệ người lao động có được việc làm và có thể gửi tiền về cho người thân, giúp quê hương giảm số hộ nghèo… Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, chính cái khó của địa phương này được đẩy qua cho địa phương khác và cho chính người lao động trong khi vấn đề cốt lõi và chất lượng sống của người lao động đó và thân nhân của họ thì không được quan tâm đúng mức.

Bởi người lao động ồ ạt di chuyển đến các tỉnh, thành khác bị tác động nhiều mặt về thói quen, tập quán, văn hóa... Họ cũng phải nỗ lực lớn để tìm được công việc phù hợp và trụ lại với công việc đó, đồng thời tạo ra áp lực về an ninh trật tự, về xã hội cho các địa phương tiếp nhận.

Do đó, có thể thấy vấn đề giải quyết lao động tại chỗ nên được quan tâm nhiều hơn nữa. Các địa phương phải có giải pháp tạo ra công việc cho người lao động tại chỗ trước khi khuyến khích họ đi tìm việc ở nơi khác.

Chẳng hạn, ở địa phương nào đất nông nghiệp còn nhiều thì cần tạo điều kiện để phát triển các doanh nghiệp nông nghiệp, các trang trại trồng chuối, trồng nấm, các xí nghiệp chế biến hạt điều, cà phê… để giải quyết lao động tại chỗ thay vì để họ phải đi quá xa.

Tất nhiên, để làm được điều tuyệt vời ấy thì cần nhiều "giải pháp vệ tinh" về quy hoạch, về sử dụng đất đai, về bảo vệ môi trường, về tạo nguồn nguyên liệu, về giao thông vận tải… Và nếu tổng hợp các yếu tố đó được đáp ứng thì chắc chắn thúc đẩy địa phương phát triển mạnh.

Xét về mặt nào đó thì Đồng Nai có thể được coi là tỉnh có sức hấp dẫn tốt. Tuy nhiên, trong khi có người lao động ở nơi khác đến Đồng Nai làm việc thì cũng có nhiều người dân tỉnh này đi các tỉnh, thành khác kiếm sống. Như vậy, cùng lúc có 2 dòng di chuyển, đồng thời ít nhiều tạo ra các gánh nặng cho các địa phương có liên quan.

Về mặt lý thuyết, nếu giảm được một sự di chuyển thì sẽ giảm bớt gánh nặng cho xã hội.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo