Rất nhiều bạn đọc đã bày tỏ bức xúc trước những tấm ảnh trong bài viết về cầu treo, dây cáp đăng trên Báo Người Lao Động mới đây. Nhiều người cho rằng không thể tưởng tượng được khi đến giờ này, người dân tại một số vùng quê vẫn còn đi lại khổ sở như thế. Hằng ngày, họ phải đánh đu tính mạng của mình trên chiếc cầu treo mục nát hay dây cáp mong manh.
Bạn đọc Nguyễn Thanh Hằng, một Việt kiều Úc, lo ngại: “Nhìn chiếc cầu treo cao vút bắc ngang sườn núi chỉ được làm sơ sài bằng những mảnh ván gỗ xập xệ ở huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi đã thấy hồi hộp. Chỉ cần một bước chân sơ sẩy, một mảnh ván mục hoặc một cái bấu tay lơi lỏng sẽ dễ dàng xảy ra tai nạn chết người. Hằng ngày, biết bao người cứ dọ dẫm qua cầu như thế này, đau xót quá!”.
Nhiều bạn đọc thừa nhận cả đời họ cũng không một lần dám đặt chân lên những chiếc cầu như thế. Vậy mà vì cuộc sống, người già và cả trẻ em vùng cao vẫn mạo hiểm đi lại. Những cảnh đu dây qua sông, qua suối ở tỉnh Đắk Lắk cũng khiến không ít bạn đọc rợn người. Chuyện này đã diễn ra nhiều năm qua và không biết còn tiếp diễn bao lâu nữa.
Xót xa cho người dân, không ít bạn đọc đặt vấn đề: Các cơ quan chức năng của những địa phương ấy đã làm gì để giúp người dân không còn phải qua cầu treo, đu dây nguy hiểm? “Nhìn bãi ô tô của các cơ quan cấp tỉnh, huyện ở những tỉnh ấy rồi liên tưởng đến bao nhiêu học sinh hằng ngày phải đi cầu treo, đu dây qua sông đến trường, thật không thể kìm lòng nổi! Nhiều tỉnh chăm chăm sửa sang trụ sở tốn tiền tỉ, nhiều cán bộ mới được bổ nhiệm đã lập tức đổi ô tô..., liệu họ có nghĩ đến những người dân còn khổ nhọc kia?”- bạn đọc Thanh Trúc so sánh.
Bạn đọc Thy Doan thẳng thắn: “Cán bộ đầu ngành của những tỉnh ấy đều biết, đều rõ tình cảnh của người dân nhưng vấn đề là liệu họ có ưu tiên giải quyết hay chỉ chăm chăm vào những công trình “hoành tráng” ở nơi họ làm việc, sinh sống? Có vẻ cuộc sống khó nhọc của người dân quá xa lạ với những cán bộ tại các địa phương ấy”. Bạn đọc Lê Hải băn khoăn: “Xây trụ sở to đùng, sắm ô tô sang trọng, tổ chức lễ hội hoang phí... có vẻ là những việc được các địa phương ấy ưu tiên và luôn sẵn tiền thực hiện hơn là xây những cây cầu đơn giản để người dân khỏi phải cược tính mạng của mình”.
“Khi nào dân hết đu dây? Câu hỏi này sẽ được trả lời khi các “quan” giảm bớt phần trăm xây dựng, bớt “giao lưu”, bớt hoang phí tiền đóng thuế của người dân vào các công trình vô bổ...” - bạn đọc Hoàng Văn Thanh nhìn nhận.
Bình luận (0)