xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Trộm vặt: Tật xấu của người Việt

ĐOÀN KHẮC XUYÊN

Lại có thêm 6 người Việt ăn cắp tại Nhật Bản bị bắt giữ! Có phải nhiều người bây giờ chỉ muốn giàu nhanh mà không chịu bỏ công sức và cách duy nhất là ăn cắp?

Có điều gì mỉa mai, chua chát hơn khi chỉ một tuần sau ngày diễn đàn Tôi tự hào là người Việt Nam được tổ chức nhằm quảng bá cho cuốn sách cùng tên thì xảy ra vụ 6 người Việt ăn cắp quần áo hiệu Uniqlo bị cơ quan chức năng Nhật Bản bắt giữ. Điều tra cho thấy nhóm người này đã ra tay hơn 100 lần và tuồn hàng về bán ở Việt Nam.

Chuyện bình thường?

Trong khi vụ việc đáng xấu hổ này được truyền thông Nhật đồng loạt đưa tin thì trên mặt báo ở Việt Nam, đó chỉ là một cái tin nhỏ. Điều đáng nói, đây chẳng phải là vụ đầu tiên người Việt ăn cắp ở Nhật Bản bị phát hiện.

img

Hồi đầu năm nay, một nữ tiếp viên hàng không của Việt Nam cũng bị phía Nhật bắt giữ vì tình nghi buôn mỹ phẩm, quần áo từ một đường dây ăn cắp tại các siêu thị Nhật Bản về Việt Nam. Trước đó, vào tháng 12-2013, 4 thanh niên Việt Nam trong độ tuổi 20 bị phát hiện đang ăn cắp quần áo, mỹ phẩm tại một siêu thị ở Tokyo. Năm 2009, một cơ phó của Vietnam Airlines cũng từng bị trục xuất về nước vì liên quan đến đường dây vận chuyển hàng ăn cắp từ Nhật về Việt Nam. Theo Cơ quan Cảnh sát quốc gia Nhật Bản, số người Việt bị bắt vì ăn cắp trong siêu thị ngày càng tăng cao, chiếm tới 40% những vụ người nước ngoài ăn cắp tại đây. Riêng trong tháng 1 đầu năm nay, chỉ quận Fukuoka đã bắt 5 nhóm trộm cắp người Việt.

Và không chỉ ở Nhật. Ở Thái Lan, ở Singapore và vài quốc gia khác cũng đã có trường hợp người Việt, thậm chí người có học thức, có vai vế, bị bắt giữ vì ăn cắp trong siêu thị hoặc ăn cắp tài sản của người bản xứ.

Tháng 6-2013, bức ảnh do một du học sinh tại Nhật Bản chụp tấm biển cảnh báo được viết cả bằng tiếng Việt và tiếng Nhật đã gây xôn xao dư luận: “Ăn cắp vặt là phạm tội. Nếu ăn cắp vặt thì bị phạt tù dưới 10 năm. Ngay khi phát hiện ăn cắp vặt thì chúng tôi sẽ thông báo cho cảnh sát ngay lập tức. Camera phòng chống tội phạm đang hoạt động. Tăng cường điều tra”.

Thế nhưng dư luận xôn xao một hồi rồi cũng lắng xuống. Không có ai, không một tổ chức xã hội nào có sáng kiến gì để đánh thức công luận, tìm giải pháp để hạn chế nạn ăn cắp này cũng như xây dựng hình ảnh của người Việt trong mắt các dân tộc khác. Vì sao như vậy? Phải chăng với người Việt, ăn cắp là chuyện bình thường?

Dạy dỗ và làm gương

Nhiều người cho rằng người Việt ăn cắp vì nghèo nhưng thực tế cho thấy những người Việt ăn cắp nói trên không hề nghèo (tài khoản của một phụ nữ trong nhóm có đến gần 2 tỉ đồng). Như vậy, gốc rễ của vấn đề là họ quá tham lam và nghèo lòng tự trọng.

Ông Ito Junichi, một doanh nhân Nhật Bản, góp một cái nhìn khách quan: “Khi tôi mới đến Việt Nam 20 năm trước, tôi thấy người Việt Nam chăm chỉ như người Nhật. Nhưng giờ thì tôi không còn cảm thấy điều đó nữa. Giờ tôi thấy người Việt thích kiếm tiền nhưng không còn chăm chỉ”. Cũng theo ông Ito Junichi, điều đáng lo ngại là người Việt Nam thường coi rẻ những người lao động chân tay. Ở Nhật, sinh viên khi ra trường đi làm, việc đầu tiên của họ là dọn dẹp vệ sinh. Họ phải trải qua mọi việc từ dưới lên trên trước khi muốn trở thành sếp. “Việc người trẻ không tôn trọng những người lao động chân tay là khuyết điểm rất lớn của xã hội” - ông Ito Junichi nhận định.

Nhiều người cho rằng lượng người Việt ăn cắp chỉ là thiểu số. Đúng là số người này so ra không nhiều trong 90 triệu dân nhưng đã làm ảnh hưởng đến cả bộ mặt của một dân tộc. Muốn trả lại giá trị và hình ảnh tốt đẹp cho người Việt thì trước tiên phải xây dựng những con người biết tự trọng.

Để làm được điều này, giáo dục đóng vai trò quan trọng. Giáo dục đạo đức trong nhà trường thay vì rao giảng những điều xa xôi, xơ cứng cần quay trở lại dạy học sinh biết quý trọng những giá trị gần gũi như lòng hiếu thảo, vị tha, trung thực…

Tuy nhiên, giáo dục chỉ là một phần của giải pháp. Giáo dục sẽ vô hiệu nếu thiếu sức mạnh của sự làm gương. Khi tham nhũng, mà thực chất là ăn cắp của công, lan tràn từ viên cảnh sát giao thông đứng ngoài đường cho đến những quan chức ngồi trong công sở thì sẽ dẫn đến hình thành một tâm lý chung trong nhiều người: “Ai cũng ăn, việc gì mình không ăn?”. Khi người lớn công khai làm những việc đó hằng ngày, hằng giờ thì khó mà hy vọng thế hệ trẻ sống theo những điều tốt đẹp được dạy trong trường.

“Không nên tiên đoán về tương lai, chúng ta đang tạo ra nó hằng ngày” - TS Alan Phan, một trong những tác giả tham gia biên soạn cuốn Tôi tự hào là người Việt Nam đã viết. Ông cho biết đã từng gặp những “người Việt xấu xí” trên khắp nẻo đường thế giới nhưng ông vẫn luôn còn niềm tin vào người Việt. Vấn đề là làm sao để tạo ra tương lai tốt đẹp hằng ngày để có thể tiếp tục tin? Trước tiên, hãy đừng tự hào suông về quá khứ  nữa mà hãy nhìn thẳng vào những khuyết tật hôm nay của người Việt và tìm cách loại bỏ chúng. Có như vậy thì trong tương lai chúng ta mới có thể tự tin nói rằng: “Vâng, tôi là người Việt Nam!”. 

Muốn trả lại giá trị và hình ảnh tốt đẹp cho người Việt thì trước tiên phải xây dựng những con người biết tự trọng.

 

 

img

Vì đâu nên nỗi?

Trộm quần áo bị bêu riếu trên báo chí Nhật Bản đã là nhục. Hôi tài sản của người tử nạn và tống tiền người nhà nạn nhân trong vụ tai nạn xe khách ở Sa Pa mới còn kinh khiếp hơn. Hỡi ôi bản sắc văn hóa Việt Nam, phải chăng xấu hổ và biết nhục dường như đã ngày càng khan hiếm?

Vì đâu nên nỗi con em nhà giàu người Việt phải “tỵ nạn” giáo dục, bỏ nhiều tiền mua lấy sự dạy dỗ làm người ở nước ngoài. Vì sao nên nỗi tội phạm ngày càng lan vào đám trẻ, mức độ hung hãn và vô nhân tính ngày càng tăng?

Vì đâu nên nỗi, xin hãy hỏi những ông bà vung vãi tiền dân cho những dự án mua ụ nổi ụ chìm hoang đường, cho các dự án giao thông càng triển khai ngày càng trở nên đắt đỏ và đằng sau đó chồng chất nợ cho con cháu mai sau. Vì sao chỉ lên án kẻ đạo chích thèm miếng ăn, manh quần, tấm áo mà không dám lên án những nhóm lợi ích tham lam xâu xé tài nguyên quốc gia.

Ít ai tốt toàn diện hoặc xấu hoàn toàn. Nền tảng giáo dục và môi trường sống, điều kiện sống có thể thay đổi hành vi con người. Người Nhật thường được khen nhờ được giáo dục và nuôi dưỡng trong những nền tảng tốt đó. Đa phần người Việt không được như vậy nên ranh giới giữa tốt và xấu cứ mong manh. Người xấu cứ làm điều xấu và người tốt - khi gặp phải điều kiện dung túng cho hành vi xấu - thì cũng khó giữ được phẩm hạnh của mình.

Làm cho mọi điều trong xã hội được ngay ngắn, phải là nghĩa vụ của tất cả chúng ta. Vì lẽ ấy, như một bổn phận công dân, hãy tham gia và làm những điều dù là nhỏ nhất, để cho xã hội này được ngay ngắn.

PHẠM DUY NGHĨA

 

Thấy mà xấu hổ!

Không như ở Việt Nam, các siêu thị ở Nhật Bản không có hàng rào kiểm soát hay yêu cầu khách phải gửi túi xách. Việc quản lý hàng chỉ dựa ý thức của khách nên nếu muốn lấy trộm là việc không khó. Nhiều người Việt thấy vậy nên nổi lòng tham. Ban đầu, họ lấy để xài cá nhân, sau bán lại cho những người Việt khác ham giá rẻ.

Theo tôi, các siêu thị đều nhận biết các vụ ăn cắp của người Việt nhưng họ không truy cứu vì nghĩ rằng món hàng giá trị không lớn và có chút cảm thông cho người nghèo. Tuy nhiên, khi việc ăn cắp tái diễn nhiều lần và có dấu hiệu cho thấy được tổ chức thành đường dây, họ mới bắt giữ.

Không ít người Việt ở Nhật còn là “chuyên gia” trốn vé tàu điện. Lúc mới sang, tôi hay bắt chuyện với đồng hương trên tàu nhưng sau thì dè dặt hơn vì đa số người Việt đi tàu điện chui; khi biết tôi có mua vé thì ai cũng nhìn với ánh mắt lạ lẫm. Điều đáng buồn khi họ không hề nghèo và có trình độ kỹ sư.

Dẫu biết rằng ở đâu cũng có người tốt, kẻ xấu nhưng trước cảnh đồng hương mình gian lận ở xứ người làm tôi rất khó chịu và xấu hổ. Tôi chưa cảm thấy sự kỳ thị từ người bản xứ đối với người mình nhưng tình trạng này nếu cứ diễn ra thì nhất định hình ảnh người Việt trong mắt họ sẽ ngày càng méo mó.

Nguyễn Đăng Anh Kiệt, kỹ sư từng làm việc ở Nhật

 

Ăn cắp quen tay

Chuyện ăn cắp vặt của người Việt ở nước ngoài, theo tôi biết là khá thường xuyên. Đây là hành vi có chủ ý, là thói xấu không thể chấp nhận được. Một số người Việt khi đi siêu thị, trung tâm thương mại ở nước ngoài ban đầu không có ý định ăn cắp nhưng khi vào rồi ngắm nghía cái này cái kia mới bắt đầu nổi lòng tham và lấy cắp, hậu quả là bị phát hiện, bị bêu xấu, làm ảnh hưởng đến hình ảnh của người Việt nói chung. Vài lần như vậy thành quen và từ đó sinh ra tật chôm chỉa…

Tật xấu này hoàn toàn có thể loại bỏ nếu họ nhận thức được vấn đề, tầm quan trọng của hình ảnh người Việt ở nước ngoài.

Đại diện một doanh nghiệp lữ hành tại TP HCM

T.Kim - T.Phương ghi

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo