Những năm gần đây, kinh tế phát triển, đời sống nhân dân được cải thiện, từ đô thị đến nông thôn đều có nhiều thay đổi tích cực hơn. Nhờ đó, trụ sở làm việc của các cơ quan nhà nước cũng được quan tâm đầu tư xây mới, nâng cấp hoặc sửa chữa khang trang, to đẹp hơn. Tuy nhiên, điều chúng tôi muốn đề cập ở đây là nhiều trụ sở vừa mới xây chưa được bao lâu, đang còn sử dụng tốt lại bị đập đi xây lại hoặc sửa chữa, nâng cấp nhiều lần dù không cần thiết.
Trên đường đi làm hằng ngày, tôi thường đi qua trụ sở cơ quan nọ nhưng không thể biết được là họ đã xây mới, sửa chữa trụ sở bao nhiêu lần, dù trong thời gian ngắn. Nói chung là trụ sở cơ quan này luôn luôn trong tình trạng “công trường đang xây dựng”. Tìm hiểu thêm, tôi mới biết đây là cơ quan có “vai vế”, quyết định nhiều vấn đề quan trọng trong hệ thống chính trị ở địa phương. Mặt khác, do đặc thù nên cơ quan này thường thay đổi người đứng đầu. Mỗi khi có sếp mới lại có đập, phá, sửa chữa trụ sở, ít thì thay đổi màu sơn, trổ cổng và lâu lâu lại đập đi xây mới!
Có thể nói điệp khúc trụ sở xây rồi đập, phá và sửa đã thành thói quen trong hoạt động thường xuyên của một số cơ quan nhà nước. Việc này vừa gây tốn kém, lãng phí tiền của vừa ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước, phục vụ nhân dân.
Đất nước ta còn nghèo, người dân một số nơi vẫn còn chưa đủ ăn, đói giáp hạt triền miên; lương cán bộ, công chức, viên chức còn thấp, chưa đủ sống. Ngay trụ sở làm việc của một số cơ quan nhà nước còn tạm bợ hoặc phải đi thuê; trẻ em vùng cao thiếu trường học, thiếu cầu để đi lại thì việc thường xuyên sửa chữa, xây mới trụ sở đang còn sử dụng được là không cần thiết, lãng phí ngân sách và gây phản cảm trong dư luận quần chúng. Đây cũng là nguyên nhân làm cho tình trạng nợ công ngày càng tăng và gánh nặng nợ nước ngoài đến hạn phải trả ngày càng lớn như hiện nay.
Đầu tư là để phát triển. Việc đầu tư đúng hướng, đúng chỗ là rất quan trọng, cấp bách trong giai đoạn hiện nay khi các nguồn lực của đất nước còn rất hạn chế. Theo đó, cần phải quản lý chặt chẽ việc đầu tư công, sử dụng ngân sách nhà nước, nhất là việc xây dựng, sửa chữa trụ sở của các cơ quan vì kinh phí sử dụng rất lớn. Điều này bảo đảm tiền thuế do người dân đóng góp được sử dụng hiệu quả, tránh lãng phí đồng thời góp phần hạn chế tiêu cực, tham nhũng do tình trạng lợi dụng xây mới, sửa chữa để “moi” tiền từ ngân sách nhà nước.
Bình luận (0)