Nói về lý do "chán đời", cô gái cho hay bị bạn trai dối gạt tiền lẫn tình cảm. Có điều, khi công an xác minh thì đây ít nhất là lần thứ 8 cô gái "muốn nhảy cầu", mục đích là đánh vào lòng trắc ẩn của tha nhân để được cho tiền.
Cô gái được yêu cầu cam kết không tái diễn màn kịch này. Đáng nói là 2 ngày trước đó, tại Cà Mau, công an cũng từng yêu cầu cô này viết cam kết tương tự vì "diễn" ở cầu Biện Nhị.
Câu chuyện trên khiến tôi liên tưởng đến những thân thể gầy gò, đen đúa, khó nhọc lết dưới lòng đường, trông chờ sự thương cảm của người qua lại mà sau đó cơ quan chức năng phanh phui ra là họ nằm trong đường dây "chăn dắt ăn xin". Vô số trường hợp kiếm tiền bằng cách dắt bộ xe rồi than thở "hết tiền đổ xăng" hay "lỡ độ đường, nhờ giúp vé về quê"…
Dường như hành vi trục lợi lòng tốt đang biến tấu ngày một tinh vi hơn. Nó gióng lên hồi chuông cảnh báo về mầm mống của một hiện tượng tâm lý "khôn lỏi", bất chấp các giá trị chỉ để đạt mục đích kiếm tiền. Về lâu dài, đó là nguy cơ khiến niềm tin giữa con người với nhau suy giảm, nhìn đâu cũng thấy sự hoài nghi.
Người Việt Nam giàu tình thương, luôn thẩm thấu giá trị "một miếng khi đói bằng một gói khi no", "lá lành đùm lá rách", "thương người như thể thương thân". Chính truyền thống tốt đẹp này giúp cộng đồng ngày càng gắn kết, nhân văn, tiến bộ. Tuy nhiên, khi lòng trắc ẩn bị những kẻ gian xảo coi như "mỏ vàng" để khai thác thì niềm tin sẽ sụp đổ nhanh nhất.
Vậy nên, để tránh bị trục lợi lòng tốt, ngoài sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan hữu trách, các trung tâm bảo trợ xã hội, mái ấm tình thương..., mỗi người cần nâng cao tinh thần cảnh giác, có lòng tốt với tùy người, tùy việc. Giúp đỡ người gặp khó khăn, hoạn nạn nhưng hãy để tấm lòng của mình đặt đúng chỗ. Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo, cần báo cơ quan công an gần nhất để kịp thời xử lý.
Bình luận (0)