xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Trung tâm Tài chính khu vực: THỜI CƠ VÀNG!

PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM

Hình thành và phát triển trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại TP HCM cần có một cơ chế đặc biệt để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước

Đề án phát triển trung tâm tài chính tại TP HCM mang tầm khu vực và quốc tế đã được UBND TP HCM đặt hàng nhóm tác giả Đại học Fulbright Việt Nam xây dựng và chuẩn bị bước vào giai đoạn nghiệm thu. Tuy nhiên, khi triển khai đề án này, thực tế sẽ phát sinh những điểm nghẽn nhất định. Điều này đòi hỏi có sự thống nhất từ Bộ Chính trị đến Chính phủ; các bộ - ngành, đặc biệt là Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước.

Điều kiện cần đã hoàn chỉnh

Việc tạo lập trung tâm tài chính Việt Nam đặt tại TP HCM không chỉ là mong muốn của người dân thành phố mà còn là chiến lược phát triển chung của quốc gia.

Theo đó, tại văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng có đề cập việc phát triển các đô thị lớn và vùng TP HCM; nghiên cứu và thiết lập cơ chế đặc thù thúc đẩy TP HCM trở thành trung tâm tài chính quốc tế.

Mặt khác, nhiều quyết định của Bộ Chính trị và Chính phủ về quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội đều xác định TP HCM trở thành trung tâm thương mại, tài chính có vị thế trong khu vực và hướng tới tầm quốc tế. Như vậy, việc xây dựng trung tâm tài chính tại TP HCM đã có đầy đủ cơ sở pháp lý.

Trung tâm Tài chính khu vực: THỜI CƠ VÀNG! - Ảnh 1.

Việc hình thành trung tâm tài chính TP HCM góp phần nâng tầm quốc gia lên một vị thế mới trong bản đồ trung tâm tài chính thế giới. Trong ảnh: Nhà đầu tư tại Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM Ảnh: HOÀNG TRIỀU

TP HCM có nhiều lợi thế về vị trí địa lý, trục giao thông thuận lợi, năng suất lao động cao, có sự giao thoa nguồn nhân lực tài chính chất lượng cao trong và ngoài nước; xuất nhập khẩu hàng hóa, thu ngân sách, tăng trưởng GDP hằng năm của TP HCM… đều chiếm tỉ trọng lớn nhất cả nước. Ngoài ra, TP cũng đang triển khai mô hình đô thị thông minh, phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật số.

Đặc biệt, các thị trường vốn, ngoại tệ, chứng khoán… hoạt động sôi nổi từ hàng chục năm qua. Hệ thống các ngân hàng thương mại cổ phần cỡ lớn, ngân hàng quốc doanh, ngân hàng 100% vốn nước ngoài, các quỹ đầu tư, công ty tài chính nước ngoài, Sở Giao dịch chứng khoán… đều đặt trụ sở tại TP HCM. Thế nên, việc xây dựng trung tâm tài chính gần như có đủ điều kiện cần để hình thành.

Nhiều việc phải làm

Tuy nhiên, để phát triển thành một trung tâm tài chính tầm khu vực và quốc tế đòi hỏi phải có điều kiện đủ. Như thế, chúng ta còn rất nhiều việc phải làm, trong đó có một số vấn đề nằm ngoài tầm tay của chính quyền TP HCM. Đó là các cơ chế giao dịch, chính sách ưu đãi thu hút "đại gia" tài chính nước ngoài; đặc biệt là cơ chế đặc thù khuyến khích các tập đoàn tài chính hàng đầu ở Mỹ, châu Âu đến với TP HCM. Khi đó, các tập đoàn này sẽ kéo theo làn sóng đầu tư từ các tổ chức tài chính khác.

Theo đó, lộ trình tự do hóa tài khoản vốn, đồng tiền tự do chuyển đổi cần thực hiện theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế. Các chính sách đầu tư hạ tầng giao thông, kỹ thuật số nhằm phát triển các loại hình dịch vụ như mua bán trực tuyến, thanh toán online; chính sách ưu đãi về thuế, tiền thuê đất… cần phải thông thoáng mới kích thích được nhiều nhà đầu tư trên thế giới tập trung vốn vào trung tâm tài chính TP HCM.

Ví dụ, khi doanh nghiệp Việt Nam niêm yết cổ phiếu ở nước ngoài và ngược lại, doanh nghiệp nước ngoài niêm yết cổ phiếu tại Việt Nam thì dòng vốn ra vào nước ta phải được giám sát, quản lý theo thông lệ quốc tế. Có như thế, trung tâm tài chính tại TP HCM mới thu hút được các nhà đầu tư tài chính lớn.

Ngoài ra, chúng ta cần thiết lập thêm thị trường hàng hóa giao sau như thị trường gạo, cà phê, đường… Nhưng mọi giao dịch trên các thị trường này không giao nhận hàng hóa mà chỉ thanh toán chênh lệch về giá cả. Với cách thức giao dịch như thế, chúng ta cần có quy định và cơ chế gì để xử lý?

Để trung tâm tài chính TP HCM sớm thành hiện thực, chúng ta có thể học tập kinh nghiệm từ các trung tâm tài chính Bangkok, Thượng Hải, Singapore, Hồng Kông... hướng tới xây dựng một thể chế đủ mạnh, đồng thời có thêm sự chung sức của các bộ, ngành với chính quyền TP. Nhất là Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước vì hai cơ quan này liên quan đến việc quản lý, giám sát thị trường vốn, chứng khoán, tiền tệ, tỉ giá hối đoái..., đặc biệt là lộ trình tự do hóa chuyển đổi ngoại tệ. 

Việc hình thành trung tâm tài chính

TP HCM không chỉ là xu hướng tất yếu mà còn là biểu hiện của một quốc gia năng động, phát triển và hội nhập; góp phần nâng tầm quốc gia lên một vị thế mới trong bản đồ trung tâm tài chính thế giới.

GS-TS TRẦN NGỌC THƠ - Trường Đại học Kinh tế TP HCM:

13-Chan-dung-Tran-Ngoc-Tho---bai-trang-13

Bây giờ hoặc không bao giờ!

Nếu đặt câu chuyện trung tâm tài chính quốc tế giống như đề án do TP HCM thiết kế và trình trung ương, mọi việc có thể giống như những năm trước là rơi vào khoảng không. Ngược lại, nếu xem trung tâm tài chính quốc tế là bộ mặt quốc gia, thể hiện tầm ảnh hưởng ngày càng cao trong nền kinh tế toàn cầu, trung tâm tài chính quốc tế không phải một đề án mà là một quyết định chính trị ở cấp cao nhất.

Trong trường hợp này, TP HCM chỉ là một tọa độ xác lập trung tâm tài chính quốc tế. Toàn bộ công việc còn lại làm thế nào để Việt Nam, để TP HCM hình thành một trung tâm tài chính quốc tế phải là công việc của cả bộ máy Chính phủ. Rất may là hơn 20 năm nay TP HCM đã tốn không ít thời gian, công sức với nhiều cuộc hội thảo quý giá để xin được xây dựng đề án trở thành trung tâm tài chính quốc tế. Đây sẽ là tài liệu, là kinh nghiệm quý để trung ương tham khảo.

Người dân TP HCM và người dân cả nước sẽ rất vui mừng nếu TP HCM trở thành trung tâm tài chính quốc tế đẳng cấp, bởi vì TP xứng đáng như thế, xứng đáng đảm nhận trọng trách mang tính lịch sử. Nếu vậy, câu chuyện còn lại là cần phải làm gì để TP có được một trung tâm tài chính đẳng cấp quốc tế?

Chắc chắn đó phải là một thể chế vượt trội (tư duy cơ chế đặc thù chỉ tồn tại trong 1-2 năm sẽ không bao giờ thành công), một khu vực đặc biệt áp dụng các chuẩn mực quốc tế toàn cầu cao nhất về sở hữu tài sản, thông luật quốc tế, tự do di chuyển vốn, tự do đổi mới sản phẩm tài chính. Trong xu thế cách mạng công nghệ 4.0, các quốc gia đang phát triển đang chuyển mình theo hướng phát triển các khu kinh tế tự do kỹ thuật số, thay cho các "khu kinh tế đặc biệt" tốn nhiều diện tích ở các vùng biển và biệt lập. TP HCM với vai trò là trung tâm kinh tế, tài chính khoa học kỹ thuật hàng đầu bấy lâu nay càng có nhiều thuận lợi trở thành khu kinh tế tự do kỹ thuật số làm nền tảng cho sự ra đời trung tâm tài chính đẳng cấp quốc tế.

Nói như Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, lúc này là thời cơ vàng cho trung tâm tài chính quốc tế của Việt Nam của TP HCM, bây giờ hoặc không bao giờ.

Sơn Nhung ghi

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo