Vừa qua, một số cán bộ hưu trí phường Xuân Hòa, thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai có đơn gửi Báo Người Lao Động phản đối việc UBND tỉnh Đồng Nai chấp thuận chủ trương chuyển Trường THPT dân lập Văn Hiến sang loại hình tư thục.
Bản chất là trường bán công
Theo nội dung đơn trình bày, Trường THPT dân lập Văn Hiến được nhà nước bố trí toàn bộ cơ sở vật chất, gồm: đất, phòng học, phòng làm việc với sự hỗ trợ của các cơ quan nhà nước, nhà hảo tâm. Trong quá trình hoạt động và tích lũy kinh phí từ nguồn học phí của học sinh, trường đã từng bước xây dựng cơ sở vật chất, đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập của con em nhân dân trên địa bàn. Như vậy, Trường THPT dân lập Văn Hiến là trường thuộc sở hữu của nhà nước và nhân dân, không phải trường của cá nhân nào.
Đi tìm hiểu nguồn gốc Trường THPT dân lập Văn Hiến, chúng tôi được ông Lê Văn Thư, Chủ tịch UBND thị xã Long Khánh, cho biết trường được thành lập năm 1989 (lúc đó là Trường cấp 2-3 dân lập Văn Hiến) trên cơ sở được UBND huyện Xuân Lộc cũ, nay là UBND thị xã Long Khánh, bố trí toàn bộ cơ sở vật chất của phòng giáo dục huyện cùng sự hỗ trợ về vật chất của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn. Huyện ủy, UBND huyện Xuân Lộc cũ đã nhất trí phân công ông Nguyễn Thanh Ngạn, cán bộ Văn phòng UBND huyện Xuân Lộc, đứng đơn đề nghị thành lập trường để phù hợp với mô hình xã hội hóa giáo dục tại thời điểm đó.
Cụ thể, năm 1989, nhà nước chưa có mô hình trường bán công, trong khi theo chủ trương của tỉnh thì mỗi huyện chỉ được có một trường cấp 3 công lập. Trước áp lực về số học sinh cấp 2, 3 của một huyện đông dân nhất tỉnh lúc bấy giờ, Huyện ủy, UBND huyện Xuân Lộc cũ đã mạnh dạn đề nghị tỉnh cho thành lập Trường cấp 2-3 dân lập Văn Hiến, lấy nguyên cơ sở của phòng giáo dục để làm trường học, cử ông Nguyễn Thanh Ngạn làm Chủ tịch HĐQT; ông Nguyễn Thiệp, Trưởng Phòng Giáo dục huyện Xuân Lộc cũ, kiêm Hiệu trưởng.
Theo ông Lê Văn Thư, với đặc điểm trên, Trường THPT dân lập Văn Hiến tuy gọi là trường dân lập nhưng thực chất là trường bán công (loại hình trường công lập thu học phí để trang trải - PV) chứ không phải tài sản của bất cứ cá nhân nào, kể cả ông Ngạn. Hiện trường thu học phí lớp 10 là 500.000 đồng/tháng/học sinh, lớp 11 là 570.000 đồng/tháng, lớp 12 là 940.000 đồng/tháng. Nếu chuyển sang trường tư thục, học phí sẽ tăng cao hơn trong khi tỉ lệ học sinh của huyện học THPT công lập rất thấp, chỉ 28%. “Vì vậy, từ khi có chủ trương chuyển đổi loại hình Trường THPT dân lập Văn Hiến, Thị ủy, UBND thị xã Long Khánh đã có nhiều văn bản đề nghị chuyển sang trường công lập và đến nay, chúng tôi vẫn bảo lưu quan điểm này” - ông Thư nói.
Hai vấn đề cần làm rõ
Tại buổi gặp gỡ giữa chính quyền thị xã Long Khánh với những người nguyên là lãnh đạo huyện thời kỳ thành lập trường và ông Nguyễn Thanh Ngạn để thống nhất nội dung chuyển đổi loại hình Trường THPT dân lập Văn Hiến, ông Ngạn đề nghị chuyển sang loại hình tư thục vì ngành giáo dục cũng như tỉnh không có văn bản quy định chuyển trường dân lập sang công lập. Ngược lại, các ý kiến khác đều thống nhất đề nghị chuyển sang công lập vì từ khi thành lập đến nay, bản chất của trường là công lập.
Trong khi đó, tại cuộc họp thẩm định đề án đổi loại hình Trường THPT dân lập Văn Hiến sang tư thục giữa các sở, ngành liên quan, UBND thị xã Long Khánh, đại diện Trường THPT dân lập Văn Hiến do Sở GD-ĐT Đồng Nai chủ trì, ngoài ý kiến của UBND thị xã Long Khánh bảo lưu quan điểm chuyển sang trường công lập, các ý kiến còn lại đều nhất trí chuyển qua tư thục.
Muốn chuyển loại hình trường sang công lập hay tư thục thì cần làm rõ tài sản nhà trường là của công hay cá nhân. Tuy nhiên, với riêng Trường THPT dân lập Văn Hiến, còn có thêm 2 vấn đề cần làm rõ: Thứ nhất, ông Ngạn đứng đơn xin phép thành lập trường với tư cách đại diện cho một nhóm cha mẹ học sinh tại địa phương nhưng Quyết định 946 của UBND tỉnh lại cho phép cá nhân ông Ngạn mở trường; Thứ hai, nếu cho phép cá nhân ông Ngạn mở trường, vì sao lại chấp thuận ông Nguyễn Thiệp, Trưởng Phòng Giáo dục huyện Xuân Lộc cũ, kiêm hiệu trưởng trong khi trong đơn xin phép thành lập trường của ông Ngạn đại diện một nhóm cha mẹ học sinh lại đề cử ông Phạm Quang Minh?
Hưởng lương từ ngân sách
Theo chủ tịch UBND thị xã Long Khánh, từ khi đứng đơn thành lập trường đến năm 2000 (nghỉ hưu), mặc dù làm việc ở Trường THPT dân lập Văn Hiến nhưng ông Nguyễn Thanh Ngạn vẫn hưởng lương công chức từ ngân sách nhà nước. Hiện ông Ngạn vẫn là Chủ tịch HĐQT của Trường THPT dân lập Văn Hiến.
Bình luận (0)