Ngay sau khi xảy ra sự cố vỡ đập thủy điện Ia Krel 2 (xã Ia Dom, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) vào ngày 1-8, Bộ Công Thương đã cử đoàn công tác do Thứ trưởng Lê Dương Quang dẫn đầu cùng các đơn vị chức năng đến hiện trường để kiểm tra công trình. Đoàn công tác đã chỉ đạo dừng thi công, triển khai ngay các biện pháp để khắc phục sự cố.
Nổ mìn thoát lũ
Nguyên nhân ban đầu được đoàn công tác của Bộ Công Thương xác định: Trong thời điểm thi công đập, mưa trên diện rộng và kéo dài tại lưu vực hồ chứa thủy điện Ia Krel 2 làm nước lũ đổ về nhiều. Mực nước hồ chứa dâng nhanh đến cao trình đỉnh đê quây thượng lưu đập (204,8 m).
Đến 7 giờ 30 phút ngày 1-8, thấy mực nước hồ chứa có khả năng vượt qua cao trình đỉnh đê quây thượng lưu đập, uy hiếp an toàn công trình cũng như vùng hạ du, chủ đầu tư - Công ty Cổ phần Công nghiệp và Thủy điện Bảo Long Gia Lai (viết tắt là Công ty Bảo Long Gia Lai) - đã thông báo cho chính quyền địa phương khẩn cấp sơ tán người dân khu vực liên quan.
Để tăng cường khả năng thoát lũ, trước đó, chủ đầu tư đã chủ động nổ mìn phá khoảng 7 m đập tràn. Tuy nhiên, chỉ 1 giờ sau, mực nước vượt qua cao trình đỉnh đê quây thượng lưu đập, gây xói lở và làm vỡ hoàn toàn đê. Chỉ một thời gian ngắn sau đó, toàn bộ nước từ hồ chứa đã tràn về tàn phá vùng hạ du.
Theo thống kê của UBND xã Ia Dom, vụ vỡ đập lần này gây thiệt hại cho 179 hộ dân, làm hư hại hơn 430 ha cây trồng cùng nhiều tài sản khác...
Cò kè mức bồi thường
Sau vụ vỡ đập thủy điện lần thứ nhất vào tháng 6-2013, đời sống 143 hộ dân vùng hạ du lâm vào cảnh khốn khó. Đến nay, vẫn còn 2 hộ chưa nhận được tiền đền bù.
Ông Võ Đông Giang (ngụ thôn Ia Mút, xã Ia Dom) kể: “Sau khi đập vỡ lần đầu, bố tôi mất đột ngột. Làm đám tang cho bố xong, tôi đã trình báo với chính quyền địa phương về thiệt hại do đập vỡ gây ra gồm toàn bộ nhà cửa, tài sản trị giá gần 100 triệu đồng. Tuy nhiên, không hiểu sao gia đình tôi lại không có tên trong danh sách được hỗ trợ, bồi thường. Chính quyền địa phương cho biết sẽ bổ sung gia đình tôi vào danh sách bồi thường đợt 2 nhưng đến giờ cũng không thấy gì ”.
Gia đình ông Lê Khắc Anh (ngụ thôn Móc Đen 2, xã Ia Dom) cũng bị thiệt hại nặng nề nhưng đến nay vẫn chưa được bồi thường. Nguyên nhân là do Công ty Bảo Long Gia Lai cứ đòi giảm mức bồi thường. Nhiều hộ dân khác phản ánh mức bồi thường quá thấp khiến cuộc sống của họ rất khốn khó.
“Nhà tôi có 3 ha sắn, vụ vỡ đập lần trước làm thiệt hại 2 ha, được đền bù chỉ 12 triệu đồng nên gia đình bị thiếu đói tới 4-5 tháng. Lần vỡ đập này, gia đình tôi thiệt hại toàn bộ hoa màu, không biết rồi đây sẽ sống thế nào?” - ông A Beng (ngụ thôn Móc Đen 1, xã Ia Dom) rầu rĩ.
Ông Trịnh Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ, cho biết sau sự cố vỡ đập đầu tiên, phải mất một thời gian dài, chủ đầu tư mới đền bù cho người dân, phần do không thống nhất được mức giá đền bù, phần vì “năng lực” chủ đầu tư có hạn. “Với sự cố lần này, sau khi kiểm kê và đánh giá mức độ thiệt hại, chúng tôi sẽ đốc thúc chủ đầu tư nhanh chóng đền bù cho người dân thỏa đáng” - ông Thanh nói.
Sẽ sớm bồi thường cho người dân
Ông Nguyễn Ngọc Ẩn, Phó Giám đốc Công ty Bảo Long Gia Lai, cho biết đã hỗ trợ một phần quà để trấn an tinh thần những hộ dân bị ảnh hưởng sau vụ vỡ đập. Sau khi thống kê, xác minh mức độ thiệt hại cụ thể, công ty sẽ sớm bồi thường cho người dân. Khi có kết quả điều tra, công ty cũng sẽ quy trách nhiệm cụ thể với từng khâu liên quan.
Theo UBND tỉnh Gia Lai, sau khi Bảo Long Gia Lai khắc phục hậu quả vụ vỡ đập lần thứ nhất, UBND tỉnh đã cho phép công ty tổ chức thi công sửa chữa đập, Sở Xây dựng cấp giấy phép xây dựng. Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng Điện 1 được thuê tư vấn khảo sát, thiết kế sửa chữa; Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng Trí Việt quản lý dự án, giám sát thi công; Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Btranco-5 là đơn vị thi công công trình...
Bình luận (0)