Nguyễn Định (huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai) vừa bị bắt khẩn cấp về hành vi chống người thi hành công vụ. Ông này tối 16-3 lái ôtô chở theo vợ con và 3 người khác bị lực lượng CSGT truy đuổi, xử lý lỗi vi phạm chạy quá tốc độ. Không những bất hợp tác, ông Định còn lớn tiếng, xô đẩy, giật bảng tên trên áo của một cảnh sát.
Người đàn ông giật bảng tên 1 chiến sĩ CSGT. Ảnh cắt từ clip
Còn tại Hà Tĩnh, ngày 11-3, Trần Văn Năng (huyện Cẩm Xuyên) lái ôtô và bị yêu cầu dừng xe kiểm tra nồng độ cồn. Năng không chấp hành, tiếp tục điều khiển và khiến bánh xe đè lên chân một trung tá và chạy tiếp.
Ở TP Đà Nẵng hôm 2-3, CSGT khi phát hiện một người đàn ông chạy xe máy có dấu hiệu say xỉn thì bị người này chỉ tay quát tháo trước khi bỏ lại phương tiện, cuốc bộ rời hiện trường.
Sau khi chỉ tay, lớn tiếng với cán bộ CSGT, người đàn ông bỏ đi để lại phương tiện vi phạm
Đó là những vi phạm và phản ứng hậu vi phạm không thể chấp nhận. Những người có các hành vi quá khích như trên phải bị xử lý nghiêm khắc nhằm tạo tính răn đe. Trong đó, việc bắt khẩn cấp đối tượng c ở Gia Lai nêu trên là hồi chuông cảnh tỉnh cho những đối tượng cố tình chống đối người thi hành công vụ.
3 vụ việc xảy ra tại nhiều địa phương trong vẻn vẹn 2 tuần dù chưa bao giờ là con số thống kê thực (mà chỉ trên mặt báo) cho thấy hiện tượng "nhờn nhân viên công lực" là có. Bên cạnh thái độ rất đáng phê phán của người vi phạm, câu hỏi điều gì đã tiếp tay hay nuôi dưỡng thái độ đó.
Rượu bia? Đương nhiên! Vì chúng can thiệp vào lý trí, gây hưng phấn tạm thời và thúc đẩy sự liều lĩnh. Tuy nhiên, không thể không nói, đó là một số "điển hình xấu" của vài cá nhân trong quá trình tương tác với người dân khiến hình ảnh về sự nghiêm chỉnh khi thi hành công vụ không còn nguyên vẹn.
Như hồi tháng 9-2022, clip hành động diễn tả hình ảnh cảnh sát trật tự và cảnh sát giao thông đánh tới tấp thiếu niên đi xe máy ở Sóc Trăng dù thiếu niên này ôm đầu chịu đựng gây ngỡ ngàng dư luận về cách hành xử phi chuẩn mực. Hoặc như năm 2019, thông tin "Đưa người chạy xe vi phạm về phường rồi mặc cả đòi tiền" do thiếu úy công an và bảo vệ dân phố một phường ở quận Bình Thạnh, TP HCM thực hiện khiến nhiều người bất bình.
Hay clip từng lan truyền rộng rãi, thậm chí các từ "sao, sao, sao là sao, thì làm sao…" trở thành "trend" trong một giai đoạn quay lại cảnh đối thoại quá mức bình dân giữa một cảnh sát giao thông với nhân vật cần làm việc gây nên tình cảnh "cười ra nước mắt" liên quan tới ngôn ngữ, tác phong người làm nhiệm vụ…
Hình ảnh trong clip thiếu niên bị đánh ở Sóc Trăng
Không thể phủ nhận những cán bộ, chiến sĩ có đặc thù công việc tiếp xúc thường xuyên với dân sẽ khó tránh khỏi cái nhìn vừa khắt khe. Tuy nhiên, cái dư luận mong muốn là khi xử lý cán bộ vi phạm cũng cần nhanh và dứt khoát như xử lý người vi phạm.
Quay trở lại câu chuyện "con sâu làm rầu nồi canh", để việc chống đối, sai chuẩn mực ở trên không tái diễn dưới hình thức này hay hình thức khác như một hệ lụy của "nguyên nhân – kết quả", người viết cho rằng cần thiết lưu ý ít nhất 2 điều.
Đó là, bên cạnh việc trấn áp dứt khoát các hành vi chống đối, phải xốc lại đạo đức công vụ cán bộ, chiến sĩ đã hoặc đang có nguy cơ làm xấu hình ảnh của ngành họ. Cùng với đó, với tinh thần thượng tôn pháp luật, mọi vi phạm, sai trái phải được xử lý trên quan điểm bình đẳng về trách nhiệm, công bằng về thời gian và hợp lý về mức chế tài.
Làm được như vậy, tin rằng số vụ bột phát không đáng có giữa người dân và lực lượng chức năng giảm đáng kể.
Bình luận (0)