xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tự ý nắn dòng chảy sông Hồng

Bài và ảnh: THẾ KHA

Chưa được Bộ NN-PTNT cấp phép, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam - Bộ GTVT vẫn tiến hành nắn dòng chảy sông Hồng đoạn qua TP Hà Nội

Hệ thống công trình bê tông cốt thép nắn dòng chảy sông Hồng đoạn qua địa bàn huyện Đông Anh và quận Tây Hồ , TP Hà Nội chưa được Bộ NN-PTNT cấp phép bảo đảm các yêu cầu về bảo vệ đê điều, an toàn thoát lũ nhưng chủ đầu tư (Cục Đường thủy nội địa Việt Nam - VIWA) đã tổ chức đấu thầu, cho phép triển khai xây dựng rầm rộ.

img
Chưa được Bộ NN-PTNT cấp phép bảo đảm an toàn thoát lũ, đê điều, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam vẫn tiến hành xây dựng rất nhiều hạng mục trên sông

Chưa đủ cơ sở pháp lý

Trước những lo ngại của dư luận về công trình chỉnh trị sông Hồng, ông Trần Văn Cừu, Cục trưởng VIWA, cho biết mọi công việc liên quan đến đo đạc, khảo sát, chạy mô hình để tính toán về diễn biến dòng chảy, chỗ nào phải kè bờ, chỗ nào để tự nhiên đều đã được tính toán. Khi các bô, ngành liên quan đồng ý phương án mà VIWA đưa ra thì công trình mới có thể triển khai được (Báo Người Lao Động ngày 4-6).

Tuy nhiên, ông Vũ Văn Tú, quyền Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng chống lụt bão (Bộ NN-PTNT), cho biết vừa có văn bản gửi UBND TP Hà Nội và Bộ GTVT “nhắc nhở” việc công trình nắn dòng chảy sông Hồng thiếu giấy phép, chưa đáp ứng đủ cơ sở pháp lý. Cụ thể, dù chưa được Cục Quản lý đê điều và Phòng chống lụt bão thẩm định hồ sơ thiết kế và tổ chức đánh giá về mức độ an toàn của công trình đến hệ thống đê điều, an toàn thoát lũ nhưng VIWA vẫn tổ chức đấu thầu, tiến hành xây dựng dự án này. “Họ gửi khá đầy đủ hồ sơ cho chúng tôi và chỉ nói làm thế để kịp tránh mùa lũ (?!)” - ông Tú nói. Xác nhận việc này, ông Lê Huy Thăng, Tổng giám đốc Ban Quản lý dự án đường thủy nội địa phía Bắc (thuộc VIWA), cho biết vướng mắc hiện nay nằm ở chỗ phải chứng minh được công trình bê tông cốt thép hình chữ U bọc kín bãi nổi Nhật Tân (quận Tây Hồ) bảo đảm hàng loạt các yêu cầu đặt ra. Trong đó có lo ngại về việc công trình kiên cố hóa này bọc kín bãi nổi Nhật Tân sẽ tạo điều kiện để Hà Nội cấp giấy phép cho doanh nghiệp triển khai khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và làm gia tăng nhiều nguy cơ xung đột dòng chảy mỗi mùa lũ về. “Tuy nhiên, đó là phần việc thuộc sự quản lý của TP Hà Nội mà theo Luật Đê điều thì không thể cấp phép xây dựng công trình lớn gây ảnh hưởng trong hành lang thoát lũ, đặc biệt trên bãi nổi giữa sông như thế được” - ông Thăng nói.

Khó chấp nhận

Theo ghi nhận của chúng tôi, hằng ngày vẫn đang có hàng chục tàu bè chở nguyên vật liệu neo đậu quanh bãi nổi Nhật Tân để xây dựng hệ thống cọc, tường bê tông. Gần một tuần nay, nước sông Hồng dâng cao đã nhấn chìm nhiều điểm đã được xây dựng trước đó.               

GS-TS Vũ Thanh Te (Trường ĐH Thủy lợi Hà Nội) cho rằng đối với một công trình chỉnh trị dòng chảy lớn như vậy phải đặc biệt quan tâm tới quy hoạch phòng, chống thoát lũ của Hà Nội. “Muốn nắn dòng chảy phải trải qua thí nghiệm mô hình vật lý để xem việc xuất hiện công trình bê tông cốt thép lớn như thế có khiến dòng chảy ngoạm vào hai bên bờ hay không. Trong tương lai sẽ còn một vài cây cầu khác được bắc qua sông Hồng, việc hình thành bãi bồi, thay đổi dòng chảy sẽ tiếp tục xảy ra quanh hệ thống cột trụ cầu nên phải có những đánh giá hết sức cụ thể, chi tiết mới bảo đảm được tính hiệu quả của công trình” - ông Te nói.

Một chuyên gia thủy lợi đánh giá việc chưa được Bộ NN-PTNT cấp phép mà công trình đã được triển khai xây dựng là khó chấp nhận được.

 Trong khi đó, cách công trình nắn dòng chảy sông Hồng không xa, hoạt động khai thác cát vẫn diễn ra nhộn nhịp mỗi ngày. Theo các chuyên gia thủy lợi, điều này sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ tới dòng chảy và sự an toàn về lâu dài của công trình chỉnh trị sông. Thừa nhận việc này khiến chủ đầu tư đau đầu nhưng ông Lê Huy Thăng cho biết việc cấp phép khai thác cát hoặc xử lý “cát tặc” thuộc thẩm quyền của TP Hà Nội nên rất khó can thiệp (?!). “Công trình của chúng tôi đã có các chuyên gia Nhật Bản, Hà Lan tính toán kỹ lưỡng rồi, không gây ảnh hưởng gì tới thoát lũ và đê điều cả” - ông Thăng giải thích.

Bị kiểm điểm

Dự án nắn dòng chảy sông Hồng qua TP Hà Nội (kinh phí đầu tư 25 triệu USD) là một hạng mục thuộc dự án phát triển giao thông vận tải khu vực đồng bằng Bắc Bộ (dự án WB6) - có tổng mức đầu tư 201,5 triệu USD, trong đó 171,5 triệu USD là vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB) và 30 triệu USD vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam - đang được xin điều chỉnh tăng thêm 75-100 triệu USD. Do tiến độ thực hiện dự án và giải ngân vốn vay quá chậm, tháng 5 vừa qua, Bộ trưởng Bộ GTVT đã yêu cầu VIWA kiểm điểm, rút kinh nghiệm.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo