Sáng 23-2 (tức mùng 5 Tết Ất Mùi), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cùng nhiều lãnh đạo Đảng, nhà nước và hàng ngàn người dân thủ đô, các tỉnh, TP trong cả nước đã đến dâng hoa, dâng hương tượng đài, đền thờ Hoàng đế Quang Trung (tại gò Đống Đa - Hà Nội) và tham dự lễ kỷ niệm 226 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa.
Đi lễ, dâng hương đầu năm
Cách đây 226 năm, vào mùa Xuân Kỷ Dậu 1789, nghĩa quân Tây Sơn dưới sự chỉ huy của người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ đã hành quân thần tốc, bất ngờ tiến công vào thành Thăng Long, đánh tan hơn 29 vạn quân xâm lược Mãn Thanh, giải phóng kinh thành Thăng Long. Sau nghi lễ rước, dâng hoa, dâng hương…, lãnh đạo Đảng, nhà nước cùng lãnh đạo TP Hà Nội đã cắt băng khánh thành dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, tu bổ công viên văn hóa Đống Đa - di tích gò Đống Đa; công trình đền thờ Hoàng đế Quang Trung. Dự án được khởi công cách đây 1 năm với diện tích hơn 2,27 ha bằng nguồn vốn xã hội hóa. Đây là công trình mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống của Thăng Long - Hà Nội.
Nằm giữa hồ Gươm cổ kính, thờ thần Văn Xương Đến Quân (là ngôi sao chủ việc văn chương khoa cử) và Đức Thánh Trần Hưng Đạo, vị anh hùng có công phá quân Nguyên Mông thế kỷ XIII, đền Ngọc Sơn là điểm đến của hàng vạn người Hà Nội cũng như du khách nước ngoài.
Suốt từ mùng 1 đến mùng 5 Tết, ngày nào đền Ngọc Sơn cũng đông nghịt khách tham quan. Một nhân viên bán vé của di tích này cho hay lượng khách đến tham quan và đi lễ đền đông đến mức một thời gian ngắn, lực lượng bảo vệ phải đóng cửa, ngừng bán vé để chờ khách trong đền đi ra, người mới đến mới được vào.
Lễ hội chọi trâu, chém lợn
Trong 2 ngày 23 và 24-2 (nhằm mùng 5 và mùng 6 Tết Ất Mùi), huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang phối hợp với Công ty TNHH Hướng Dương và xã Bằng Hành, huyện Bắc Quang tổ chức lễ hội chọi trâu tại tiểu khu cách mạng Trọng Con (xã Bằng Hành).
Lễ hội chọi trâu với 32 ông trâu do các nài trâu của huyện Bắc Quang, Vị Xuyên, Quang Bình (tỉnh Hà Giang) và các tỉnh Cao Bằng, Tuyên Quang, Yên Bái đem đến, với thể thức thi đấu loại trực tiếp. Đây là lễ hội diễn ra thường niên vào mỗi dịp Tết đến Xuân về nhằm tôn vinh tinh thần thượng võ của các dân tộc thuộc tiểu khu Trọng Con.
Tại làng Ném Thượng, phường Khắc Niệm, TP Bắc Ninh, trong ngày 23-2, lễ hội chém lợn cũng đã khai mạc với nhiều hoạt động sôi nổi như hát quan họ, thi nấu xôi… Buổi chiều, 2 “ông Ỉn” đã được rước từ nhà nuôi về đình để ngày 24-2 (mùng 6 Tết) sẽ rước quanh làng, qua nơi tướng Đoàn Thượng chém lợn khao quân. Đúng giờ Ngọ, 2 thủ đao sẽ khai đao giữa sân đình và làm cỗ ngọc tế thánh theo nghi thức truyền thống.
Chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Đình Lợi (61 tuổi), Hội trưởng Hội Người cao tuổi làng Ném Thượng, phó ban tổ chức lễ hội, cho biết sau cuộc họp với lãnh đạo TP Bắc Ninh (ngày 13-2), trưởng các dòng họ trong làng Ném Thượng đã họp bàn với nhau và thống nhất sẽ giữ nghi thức truyền thống là chém lợn ở sân đình. Trước đó, ngày 27-1, Tổ chức Động vật châu Á gửi thư ngỏ kêu gọi các cơ quan chức năng tỉnh Bắc Ninh và Bộ Thông tin - Truyền thông ban hành quy định chấm dứt lễ hội chém lợn ở làng Ném Thượng. Tuy nhiên, các nhà văn hóa cho rằng không nên áp đặt quan điểm phương Tây cho tín ngưỡng dân tộc.
Ngoài ra, từ mùng 6 đến 16 tháng giêng, tại làng Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội sẽ diễn ra lễ hội Cổ Loa để tưởng nhớ và suy tôn An Dương Vương Thục Phán, người có công dựng nước Âu Lạc, xây thành Cổ Loa. Lễ hội Cổ Loa ngoài những nghi lễ cơ bản nhiều sắc màu còn tưng bừng các trò chơi dân gian như bắn nỏ, đánh đu, đấu vật truyền thống, hát quan họ...
TP HCM tổ chức lễ hội Đống Đa
Tối 23-2, hàng ngàn người đã đổ về Công viên Tao Đàn (TP HCM) tham dự lễ hội chiến thắng Đống Đa để tưởng nhớ về chiến công 226 năm trước (mùa xuân năm Kỷ Dậu 1789), nghĩa quân Tây Sơn dưới sự chỉ huy của người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ đã tiến công thần tốc, bất ngờ vào Thăng Long. Hai nam nghệ sĩ Lê Tứ và Trung Thảo của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang đã thể hiện vai diễn Quang Trung - Nguyễn Huệ trong vở diễn của tác giả Hoàng Song Việt. Để kỷ niệm chiến công này, cứ vào ngày mùng 5 Tết, nhân dân TP HCM lại tập hợp đến Công viên Tao Đàn để tham dự lễ. Sau đám rước đèn hoa là lễ dâng hương, đọc văn và biểu diễn sân khấu hóa.
T.Hiệp
Bình luận (0)