"Gần đây, số thanh thiếu niên đến khám vì rối loạn stress, rối loạn lo âu, trầm cảm… ngày càng nhiều. Đối tượng nguy cơ cũng rất rộng: đó là những em bị bạo hành, lạm dụng chất kích thích, nghiện game, mâu thuẫn gia đình, bị ảnh hưởng bởi xu hướng tình dục hóa, bị áp lực học quá nặng nề…" - ThS-BS Nguyễn Ngọc Quang, Giám đốc Trung tâm Pháp y Tâm thần khu vực TP HCM, cho biết.
Dễ bị tổn thương
Theo BS Nguyễn Ngọc Quang, rối loạn tâm thần ở thanh thiếu niên nguy hiểm ở chỗ dễ khiến người bệnh có các hành vi bột phát. Bệnh ở người trẻ thường có biểu hiện rất mãnh liệt, triệu chứng rõ ràng, gia tăng hành vi xung động, kích động, thậm chí dẫn đến xu hướng toan tự tử và tự tử. Không chỉ những em bị trầm cảm, có những em tỏ ra rất bất cần, kích động cũng có nguy cơ cao.
Đồng quan điểm, BS Trần Minh Khuyên (Trưởng Phòng khám Tâm lý - Tâm thần, Trưởng Phòng Kế hoạch - Nghiệp vụ Trung tâm Y tế dự phòng quận 3) cho rằng thanh thiếu niên là đối tượng rất dễ bị tổn thương. Nhiều trường hợp, các em bị trầm cảm vì những lý do người lớn có thể cho là chuyện nhỏ, ví dụ vài bài kiểm tra bị điểm xấu. Nhiều em xem việc học là tất cả, một vài lời chê bai, la mắng từ bạn bè, thầy cô, cha mẹ là đủ cho các em nghĩ đến hành động dại dột.
Nhiều chuyên gia cho rằng những vụ tự tử ở thanh thiếu niên xảy ra vừa qua chỉ là một phần của bức tranh về rối loạn tâm lý - tâm thần thanh thiếu niên, một vấn đề khiến ngành y tế nhiều nước đau đầu chứ không riêng gì Việt Nam.
Không có vụ tự tử nào là "bỗng dưng"
BS Trần Minh Khuyên nhấn mạnh không có ai bỗng dưng đi tự tử mà đó là hậu quả của cả một quá trình. Khi gặp chuyện, bị stress, cơ thể thay đổi, nhịp tim, adrenaline (hoóc-môn có tác dụng trên thần kinh giao cảm)tăng lên. Nếu stress được giải tỏa, mọi thứ sẽ trở về mức bình thường nhưng stress kéo dài, cộng dồn ngày này sang ngày khác thì dần dần nhịp tim, huyết áp sẽ luôn gia tăng, xuất hiện rối loạn chuyển hóa… Lúc đó các em sẽ thường xuyên cảm thấy hồi hộp, khó chịu, cáu gắt. Lâu ngày không được giải tỏa sẽ sinh trầm cảm, rối loạn lo âu và nhiều vấn đề tâm thần khác. Bệnh không được chữa, để lâu nặng dần sẽ sinh ra những hành động vượt ngoài tầm kiểm soát, trong đó có hành vi tự tử hay tự hủy hoại bản thân.
BS Trần Minh Khuyên lưu ý nhiều trẻ cố tỏ ra bất cần, chống đối cha mẹ nhưng thật ra các em rất muốn có cha mẹ bên cạnh khi gặp những bất ổn trong cuộc sống. Các bậc cha mẹ hãy đặt mình vào vị trí của trẻ, tưởng tượng mình ở trong tình huống bị điểm xấu, bị thầy cô la ở trường, với một câu "không sao đâu" của cha mẹ, sẽ giúp trẻ lên tinh thần rất nhiều. Nếu ngược lại, trẻ bị cha mẹ la mắng thêm, áp lực sẽ trở nên quá nặng. Hơn hết, cha mẹ phải hiểu con mình. Đừng so sánh trẻ với những trẻ khác bởi sẽ khiến các em tổn thương nhiều. Mặc cảm tự ti có thể là khởi điểm của trầm cảm.
Bảo vệ trẻ khỏi môi trường nguy cơ
Theo ThS-BS Nguyễn Ngọc Quang, nỗi thất vọng trong chuyện học hành, tình yêu tuổi mới lớn dễ dẫn đến các bất ổn tâm thần nếu cuộc sống của trẻ bị gia tăng các "chất xúc tác" nguy hiểm như nghiện game, lạm dụng chất kích thích. Thanh thiếu niên gặp vấn đề về tinh thần không chỉ có nguy cơ gây hại đến bản thân mà có thể làm hại cả người khác.
BS Quang lưu ý một căn bệnh thuộc về tinh thần có thể ủ rất lâu. Ở tuổi thanh thiếu niên có thể trẻ chưa làm gì gây hậu quả nhưng chính các stress, lo âu, trầm cảm thuở niên thiếu và các triệu chứng bệnh chưa được giải quyết là nguyên nhân của những cơn bệnh trầm trọng hơn khi vào tuổi trưởng thành.
Bình luận (0)