Mỗi năm, cả nước có khoảng 2.000 vụ bạo hành, xâm hại trẻ em (XHTE). Trong đó, số vụ trẻ bị xâm hại tình dục (XHTD) chiếm tới 60%. Con số này chưa thể hiện hết thực trạng và đáng lo hơn nữa là không ít vụ án XHTD trẻ em có quá trình điều tra kéo dài, kết quả xét xử gây tranh cãi.
Sờ soạng thân thể nạn nhân là dâm ô
Đó cũng là một trong những lý do khiến thông tin liên quan đến XHTD trẻ em trong thời gian qua nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận.
Hầu hết bạn đọc cho rằng pháp luật là công cụ hữu ích nhất để định hướng hành vi cho xã hội, răn đe và trừng phạt thích đáng những hành vi phạm pháp. Các vụ XHTD, đặc biệt là với trẻ em, gia tăng về tần suất, mức độ nguy hiểm đã đòi hỏi các cơ quan bảo vệ pháp luật cần có sự phản ứng kịp thời để chấn chỉnh, buộc những kẻ bỡn cợt pháp luật, xem thường nhân phẩm, danh dự người khác phải trả giá.
"Các nhà làm luật phải xem lại quy định pháp luật ra sao để xử lý nghiêm những hành vi đốn mạt, xúc phạm nhân phẩm phụ nữ và trẻ em. Chẳng lẽ thích hôn là hôn sao, cùng lắm chỉ bị xử phạt... 200.000 đồng? Vậy thì những tổn thương tinh thần, nỗi hoang mang lo sợ của các nạn nhân và cộng đồng thì sao?" - bạn đọc Hoàng Hà bức xúc.
Bạn đọc Đức Minh đề xuất: "Có một thực tế là một số quy định của pháp luật thời gian qua chưa theo kịp diễn biến tội phạm, việc xử lý những hành vi XHTD chưa đủ sức răn đe, thậm chí trở thành sự "bỡn cợt" đối với một số người. Với tình hình tội phạm có chiều hướng phức tạp, kẻ phạm tội ngày càng xảo quyệt, tinh vi, pháp luật nhất thiết phải được bổ sung, sửa đổi. Bởi sự chậm trễ trong việc điều chỉnh, sửa đổi sẽ vô tình khuyến khích kẻ xấu xem thường pháp luật, ngang nhiên chà đạp lên nhân phẩm, danh dự của phụ nữ, trẻ em. Nên chăng tất cả hành vi sờ soạng lên thân thể nạn nhân đều bị xem là hành vi dâm ô".
Một số ý kiến bạn đọc cho rằng ngoài án tù, có lẽ nên xem xét đến hình thức thiến hóa học để răn đe. "Thiến hóa học là một đạo luật đã được thi hành ở nhiều quốc gia trên thế giới và thực tế loại tội phạm này đã giảm đáng kể. Đối với thực tế xã hội Việt Nam, khi những mức phạt khác chưa phát huy được tác dụng ngăn chặn loại tội phạm này thì chúng ta nên nghĩ đến việc nghiên cứu và áp dụng hình phạt thiến hóa học. Theo văn hóa Á Đông, việc đàn ông không thể "nối dòng nối giống" là sự trừng phạt đáng sợ, đủ sức răn đe" - bạn đọc Li Nguyễn đề nghị.
Rộng cửa thông tin, phổ biến đường dây nóng
Tại một hội thảo về nạn bạo hành, XHTE diễn ra ở TP HCM, bà Phan Thanh Minh, nguyên Trưởng Phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) TP, bày tỏ băn khoăn khi nhiều quy định pháp luật chưa phát huy hiệu quả, chưa có tiêu chí đánh giá tổn hại tinh thần hay biện pháp can thiệp kịp thời. "Thử hỏi có bao nhiêu cán bộ phường, xã nắm hết nội dung pháp luật liên quan đến trẻ em?" - bà Minh trăn trở. Vì thế, theo bà Minh, công tác phòng ngừa luôn đóng vai trò chủ yếu trong mục tiêu giảm thiểu rủi ro, ngăn chặn các hành vi tội ác.
Theo ông Võ Phi Châu, Phòng LĐ-TB-XH quận 4 (TP HCM), UBND TP có chỉ thị tăng cường phòng chống bạo hành, XHTE từ năm 2017. Dù vậy, một số hoạt động mang nặng tính hình thức, chưa có chiều sâu (tổ chức tập huấn, công bố số điện thoại nóng). Vì thế, cơ quan chức năng, gia đình, nhà trường cần mở rộng thông tin trên mạng xã hội; tăng cường phổ biến phương pháp phòng ngừa, đối phó trên mạng internet, trong trường học.
Mới đây, Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB-XH) kêu gọi các doanh nghiệp in số điện thoại Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em (111) lên bao bì, sản phẩm; sách giáo khoa, dụng cụ học tập. Cục Trẻ em kêu gọi nhiều khách sạn, công ty du lịch, rạp chiếu phim, nhà hát, cơ quan báo chí… in, phát số 111 nhằm kêu gọi mọi người lên tiếng tố giác hành vi XHTE. Nếu nhận thấy dấu hiệu trẻ gặp nguy hiểm, quy trình xử lý sẽ được kích hoạt ngay. Cụ thể, tổng đài 111 kết nối tới xã, phường, thị trấn cùng các cơ quan liên quan để xác minh thông tin, xác định mức độ vụ việc và triển khai can thiệp, hỗ trợ trẻ; ghi âm tất cả cuộc gọi làm bằng chứng khi cần; hồi đáp kết quả giải quyết vụ việc nếu người dân có nhu cầu theo dõi.
Năm 2018, Tổng đài 111 tư vấn hơn 27.400 ca (tăng 1.562 ca so với năm 2017), hỗ trợ can thiệp 806 trẻ em (tăng 222 trường hợp). Với nhiệm vụ vừa là hotline vừa là helpline, Tổng đài 111 cũng tư vấn kỹ năng bảo vệ, chăm sóc trẻ em.
TAND Tối cao yêu cầu xử lý nghiêm tội phạm XHTD
Ngày 9-4, một nguồn tin của Báo Người Lao Động xác nhận Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Trí Tuệ vừa ký công văn yêu cầu TAND các cấp phải phối hợp với công an và VKSND ngay từ giai đoạn điều tra các vụ án về XHTD trẻ em.
Theo đó, trong thời gian qua, các vụ án XHTD và bạo hành trẻ em có xu hướng diễn biến phức tạp và liên tục gia tăng, nhiều vụ án nghiêm trọng đã gây bức xúc trong dư luận xã hội. Bên cạnh đó, việc triển khai các quy định của Bộ Luật Hình sự và các hướng dẫn trong thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử cũng phát sinh một số khó khăn, vướng mắc. Từ những vấn đề mới này, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em và người chưa thành niên, TAND Tối cao đã ký Công văn 68/TANDTC-PC yêu cầu chánh án TAND, tòa án quân sự các cấp... trong quá trình thụ lý các vụ án XHTD, bạo hành trẻ em cần thực hiện nghiêm các đạo luật mà Quốc hội đã thông qua. Đồng thời, áp dụng các văn bản thi hành của TAND Tối cao, liên ngành trung ương để xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; các hình phạt và biện pháp tư pháp được áp dụng nghiêm khắc. Trong quá trình xét xử cần bảo đảm các quyền của trẻ em, người chưa thành niên trên cơ sở nguyên tắc "bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi".
Ngoài ra, TAND các cấp cần chủ động phối hợp với cơ quan điều tra, VKSND cùng cấp ngay từ giai đoạn điều tra, kịp thời nắm bắt diễn biến vụ án để lên kế hoạch xét xử, bảo đảm kịp thời, đúng thời hạn luật định. Đồng thời, trong quá trình giải quyết các vụ án bạo hành, XHTD trẻ em nếu gặp những khó khăn, vướng mắc thì TAND các cấp phải ngay lập tức báo cáo TAND Tối cao để kịp thời tháo gỡ, bảo đảm tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị hại.
P.Dũng - N.Hưởng
Bình luận (0)