Cuối cùng, đợt xét tuyển nguyện vọng 1 cũng đã khép lại. Đến giờ phút này, dù vẫn còn hồi hộp nhưng qua theo dõi sát sao tình hình những ngày qua, tôi hy vọng đã đặt chân vào được ngành học và trường học mà mình mơ ước. Nhưng nhớ lại quãng thời gian 20 ngày qua, tôi thật sự rùng mình.
Lúc mới nghe phổ biến kỳ thi này (mỗi học sinh chỉ thi 1 lần và chỉ cần thi tại cụm địa phương chứ không cần vào tận trường đại học để thi), chúng tôi rất mừng. Tuy nhiên, sau khi nhận được kết quả thi thì thật là thảm họa. Chúng tôi được đăng ký vào trường mình mong muốn trong 20 ngày xét tuyển đợt 1. Việc đăng ký sau khi biết điểm thi tưởng chừng có thêm nhiều cơ hội cho thí sinh nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại. Trước hết là việc thi tại địa phương và việc coi thi ở nhiều nơi không nghiêm túc khiến nhiều học sinh có điểm số không đúng với khả năng của mình, thậm chí nhảy vọt hơn cả những học sinh giỏi để rồi chọn vào những trường tốp trên mà không cần quan tâm xem đó có phải là ước mơ và phù hợp với sức học của mình hay không. Trong khi đó, rất nhiều học sinh giỏi bị loại chỉ vì những học sinh như thế. Đã vậy lại thêm chính sách cộng điểm của Bộ GD- ĐT, mỗi 0.25 điểm trên bài thi đều mang ý nghĩa quyết định cho cuộc đời của mỗi thí sinh, thế mà nhiều học sinh được cộng 2-3 điểm.
Thí sinh xếp hàng nộp hồ sơ tại Trường Đại học công nghiệp TP HCM (Ảnh: Tấn Thạnh)
Việc gửi đơn đăng ký xét tuyển đến các trường đại học xa nơi mình cư trú cũng là điều bất tiện. Chỉ có những ai điểm quá cao mới an tâm nộp vào những ngày đầu tiên, còn những ai ở tầm trung thường không dám nộp bởi việc điều chỉnh nguyện vọng rất phức tạp, tốn kém chi phí đi lại, ăn ở, mất thời gian lên xuống. 20 ngày đã có biết bao biến động xảy ra trong cuộc sống huống hồ là đơn dự tuyển. Đúng là một cuộc chiến cân não. Từ sáng đến tối, chúng tôi ngồi bên máy tính, hồi hộp xem điểm, căng óc tính toán khi nào nên nộp đơn và nộp vào đâu. Cả gia đình tôi cứ xoay như chong chóng, có lúc nghẹt thở với thang điểm thay đổi từng giờ, từng ngày. Cứ thế, chúng tôi bị lôi vào vòng xoáy của cuộc chơi đỏ đen, chờ thời vận lên xuống. Chơi chứng khoán chỉ là tài sản còn việc thi đại học còn là tương lai của thí sinh, ước mơ của cả một gia đình, dòng họ.
12 năm ngồi ghế nhà trường, trước khi rời bậc phổ thông, mỗi học sinh đều vạch sẵn cho mình một hướng đi riêng phù hợp với khả năng. Thế nhưng năm nay, việc điều chỉnh quy tắc xét tuyển đã làm đảo lộn mọi thứ, đồng thời cũng hủy đi không ít giấc mơ của biết bao học sinh- trong đó có những người bạn của tôi- khi bị đẩy vào tình thế chọn trường, chọn ngành để được đậu chứ không phải vì sự đam mê, yêu thích và phù hợp năng lực.
Thiết nghĩ cải cách đi liền với tiến bộ nhưng việc cải cách tuyển sinh vừa qua của Bộ GD- ĐT dường như đang đi ngược lại điều này.
Bình luận (0)