. Phóng viên: Trong Nghị định 15/CP có đưa ra mức phạt tiền đối với người điều khiển xe gắn máy và xe hơi khi “không chấp hành yêu cầu của người kiểm soát giao thông kiểm tra nồng độ cồn của rượu, bia hoặc chất kích thích khác mà pháp luật cấm”. Xin cho biết việc kiểm tra này được thực hiện như thế nào?
- Ông Phạm Minh Tuấn: Khi CSGT phát hiện người đi đường có biểu hiện sử dụng chất kích thích ví dụ như da mặt đỏ, sử dụng xe đi lại loạng quạng... CSGT có quyền yêu cầu dừng xe để kiểm tra. Ngoài kiểm tra các loại giấy tờ xe, tùy thân theo quy định, CSGT sẽ đo nồng độ rượu bằng cách yêu cầu người vi phạm thổi vào máy đo nồng độ rượu. Người lái xe có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100ml máu hoặc 40 mg/lít khí thở thì không được tiếp tục điều khiển xe. CSGT sẽ đưa cả người và xe về trụ sở gần nhất vừa để an toàn cho người điều khiển xe vừa an toàn cho người đi đường. Trong trường hợp người vi phạm chống đối người thi hành công vụ thì phạt theo tình tiết tăng nặng và phạt theo điều luật chống người thi hành công vụ. Thay mặt lực lượng CSGT, tôi xin có lời khuyên với những người uống bia, rượu lỡ say rồi thì nên đi taxi hoặc xích lô vừa an toàn cho mình và cho mọi người. Riêng với trường hợp người đi đường có dấu hiệu sử dụng các chất kích thích khác (ma túy...), CSGT có quyền yêu cầu đến cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra nồng độ chất kích thích.
Mức xử phạt theo Nghị định 15/2003/NĐ-CP của Chính phủ (Khi có hiệu lực thi hành) - Đối với hành vi “không chấp hành yêu cầu của người kiểm soát giao thông kiểm tra nồng độ cồn của rượu, bia hoặc chất kích thích khác mà pháp luật cấm”. + Người điều khiển xe hơi vi phạm phải chịu mức phạt từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng. + Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy vi phạm phải chịu mức phạt từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng. - Đối với hành vi “tự ý lắp kính mờ hoặc dán giấy bóng mờ”, người điều khiển xe hơi phải chịu mức phạt từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng. - Người đang điều khiển xe sử dụng điện thoại di động: Phạt từ 20.000 đồng đến 60.000 đồng. |
. Hiện nay có nhiều chủ xe hơi tự ý lắp kính mờ, dán các đề can mờ hoặc quảng cáo cho hoạt động kinh doanh của mình lên kiếng xe (nhưng không kín hết diện tích kiếng), những trường hợp này theo NĐ 15/CP chủ xe có bị xử phạt không, thưa ông?
- Các loại xe hơi phải để kính trong suốt, tầm nhìn quan sát không bị hạn chế, vì vậy không được dán bất kỳ thứ gì trên kiếng. Nếu vi phạm bị xử phạt hành chính theo điểm đ khoản 1 điều 20 của Nghị định 15/CP và phải khôi phục lại tình trạng ban đầu theo khoản 9 của điều này. Đối với những xe có dán quảng cáo trên kiếng xe còn bị phạt thêm lỗi vi phạm nghị định quảng cáo trái phép.
Riêng đối với loại xe, khi xuất xưởng hãng xe đã gắn kiếng màu trong suốt phần sau xe thì không bị phạt.
. Hiện rất nhiều người sử dụng điện thoại di động với mục đích để giữ được liên lạc ở mọi lúc, mọi nơi. Nếu người điều khiển xe 2 bánh không vi phạm gì, chỉ nghe điện thoại khi đang chạy xe có bị CSGT phạt không?
- Để việc điều khiển xe được an toàn, người điều khiển phải sử dụng cả hai tay và trí óc không bị phân tán. Luật Giao thông Đường bộ cấm người đang điều khiển xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy sử dụng điện thoại di động. Nếu đang điều khiển xe muốn nghe điện thoại, xin vui lòng dừng xe ở nơi thuận tiện rồi nghe.
Bình luận (0)