Tại tỉnh Quảng Nam, dư luận hết sức bức xúc trước việc Bến xe Bắc Quảng Nam (huyện Điện Bàn) được xây dựng với kinh phí hơn 10 tỉ đồng từ năm 2009 nhưng bị “đắp chiếu” nhiều năm nay.
Lãng phí
Dự án xây dựng Bến xe Bắc Quảng Nam do Sở GTVT tỉnh Quảng Nam làm chủ đầu tư trên diện tích hơn 7,58 ha. Thời điểm đó, nhiều hộ gia đình phải “bóp bụng” nhường đất để thực hiện dự án. Hơn 10 tỉ đồng đổ vào dự án với hy vọng nâng cấp hạ tầng bến xe để quản lý hoạt động vận tải, đồng thời tổ chức khai thác các hoạt động dịch vụ phục vụ hành khách, vận tải hàng hóa khu vực phía Bắc Quảng Nam. Thế nhưng, từ khi đưa vào hoạt động đến nay, bến xe này luôn ở trong tình trạng “vắng như chùa Bà Đanh”.
Hiện tại, bến không có khách đến, không có xe, bên trong khuôn viên và phía mặt tiền được một số công ty khai thác gỗ, sản xuất xi măng, chế biến nước ngọt… thuê lại để kinh doanh, tập kết vật liệu. Vào tháng 10-2013, UBND tỉnh Quảng Nam đã giao cho Công ty TNHH Đầu tư Bến xe Bắc Quảng Nam khai thác nhưng tình trạng cũng không khá hơn.
Còn Bến xe phía Bắc thị trấn Sơn Tịnh và Bến xe Đức Phổ (tỉnh Quảng Ngãi) mặc dù được xây dựng rất rộng rãi nhưng cũng chỉ lèo tèo vài ba xe hoạt động. Đáng nói hơn, Bến xe phía Nam TP Đà Nẵng do Công ty CP Đức Long Đà Nẵng (thuộc Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai) làm chủ đầu tư với kinh phí xây dựng gần 130 tỉ đồng nhưng 2 năm qua cũng vắng thê thảm, không có xe khách tuyến cố định nào vào ra.
Quá thừa bến xe
Theo tìm hiểu của chúng tôi, nguyên nhân khiến các bến xe này vắng khách là do chủ xe thường vào các bến quen đã có trước đó. Ngoài ra, việc bến xe được xây dựng với mật độ quá dày khiến việc khai thác không hiệu quả. Trên Quốc lộ 1A từ TP Tam Kỳ đến huyện Điện Bàn của tỉnh Quảng Nam, chưa đầy 70 km nhưng có đến 3 bến xe. Ngoài bến xe Bắc Quảng Nam hoạt động không hiệu quả còn có Bến xe Tam Kỳ (TP Tam Kỳ) và Bến xe Nam Phước (huyện Duy Xuyên).
Ông Trương Văn Cận, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Quảng Nam, cho biết: Hiện toàn tỉnh có 19 bến xe đã được công bố. Trong đó, 1 bến xe loại 2, 4 bến xe loại 4, 3 bến xe loại 5 và 11 bến xe loại 6. Ông Cận thừa nhận do việc quy hoạch và quản lý còn nhiều bất cập nên việc khai thác bến xe trên địa bàn tỉnh chưa hiệu quả.
Lý giải cho sự ế ẩm của Bến xe phía Nam TP Đà Nẵng, ông Phan Xuân Viên, Giám đốc Công ty CP Đức Long Đà Nẵng, cho rằng nguyên nhân do UBND TP Đà Nẵng không thực hiện đúng quy hoạch của thành phố là phân chia luồng tuyến vận tải khách hợp lý trên 2 đầu bến xe Nam, Bắc.
Còn theo giải thích của lãnh đạo Đà Nẵng, dự án này do doanh nghiệp tự đầu tư khai thác, độc lập chịu trách nhiệm về hoạt động sản xuất kinh doanh của mình và sẽ thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách. Địa phương không thể ban hành văn bản hành chính bắt buộc các tuyến xe đi vào bến này, trong khi đi vào bến xe cũ có lợi ích tốt hơn. Thực tế, có đến 90% đơn vị vận tải hoạt động ở Đà Nẵng đã từ chối tham gia vào bến xe phía Nam vì lý do không hiệu quả khi đưa xe vào kinh doanh.
Hiệu quả thấp
Ông Đỗ Tiến Đạt, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Quảng Ngãi, cho biết trong quy hoạch của tỉnh thì mỗi huyện có 1 bến xe. Tuy nhiên, xét về điều kiện hiện nay thì việc đầu tư xây dựng một bến xe không phải là chuyện đơn giản bởi vốn đầu tư rất lớn nhưng hiệu quả lại bấp bênh. Với thực trạng quá nhiều bến xe, hoạt động ít hiệu quả như hiện nay thì nên tập trung đầu tư vào các lĩnh vực khác.
Bình luận (0)