Sáng sớm 4-5, trời Đà Nẵng nắng như đổ lửa, mới 9 giờ mà nhiệt độ đã 380C và hơn 1 giờ sau tăng lên 390C, đến trưa đạt mức 420C. Nhiều người nháo nhào tìm nơi tránh nắng.
Mang ghế, giường ra đường trốn nóng
Bình thường, công nhân cây xanh Đà Nẵng chỉ tưới nước vào ban đêm hoặc sáng sớm nhưng ngày 4-5, họ tưới cây cả buổi sáng. “Tưới thế này mới mong cây xanh trụ nổi với nắng nóng” - một công nhân giải thích.
Trên đường phố Đà Nẵng, người qua lại chỉ cần thấy bóng mát là tấp vào nghỉ xả hơi. Nhiều người không chịu nổi với cái nóng hầm hập trong nhà nên mang cả ghế, giường ra ngoài đường tìm bóng cây để hóng gió.
Các bãi biển tràn ngập người từ sáng sớm...
Ông Nguyễn Trường Ảnh, Giám đốc Công ty Cấp nước TP Đà Nẵng (DAWACO) cho rằng chưa có năm nào thời tiết nắng nóng lại đến sớm như năm nay. Nắng nóng kéo dài nhiều ngày liền khiến mực nước sông đầu nguồn Nhà máy nước Cầu Đỏ xuống thấp, gây ra hiện tượng nước đục và nhiễm mặn bất thường. DAWACO đã tăng công suất lên lên 178.000 m3/ngày đêm (tăng 20% so với ngày thường); đồng thời đào kênh thu nước tại nhà máy, tăng công suất trạm cấp nước ở bán đảo Sơn Trà từ hệ thống suối. Ngoài ra, công ty này đang chuẩn bị phương án bơm nước từ trạm An Trạch để tiếp nước cho Nhà máy nước Cầu Đỏ.
Công viên, siêu thị… kín người
Tại Thừa Thiên - Huế, người dân và du khách chen kín các công viên quanh sông Hương từ sáng sớm. Về trưa, nhiệt độ ngoài trời có lúc lên tới trên 420C, các công viên không còn chỗ trống. Nhiều siêu thị như BigC Huế, Co.opMart, Thuận Thành, nhà sách Phú Xuân… khách đông đột biến, mua sắm ít mà tránh nóng thì nhiều. Hàng ngàn người đã đổ về các bãi biển Thuận An, Phú Thuận, Cảnh Dương, Lăng Cô…
Trên các cánh đồng ở Thừa Thiên - Huế như An Đông, Hương Sơ (TP Huế); Phú Hồ, Phú Mỹ (huyện Phú Vang)…, mặc cho trời nắng như đổ lửa, nông dân vẫn miệt mài thu hoạch lúa. Những tấm lưng ướt đẫm mồ hôi; những cánh tay, khuôn mặt đen sạm vì nắng.
Theo thống kê, từ ngày 28-4 đến nay, tại Khoa Nhi Bệnh viện Trung ương Huế có gần 1.900 lượt bệnh nhi đến khám và điều trị. Bác sĩ Đinh Quang Tuấn, Trưởng Khoa Nhi, cho biết bệnh nhi chủ yếu mắc các bệnh về đường hô hấp và tiêu hóa do nắng nóng.
Nón, dù “cháy” hàng
Dạo quanh phố cổ Hội An - Quảng Nam trong ngày 4-5, chúng tôi rất ít khi bắt gặp du khách. Họ đã tìm những nơi gần bờ sông Hoài, các điểm bán nước giải khát để hạ nhiệt. Bên sông Hoài, du khách Nguyễn Thị Lan (40 tuổi, ngụ Hà Nội) đưa tay quẹt mồ hôi trên trán, than phiền: “Nắng nóng quá nên ai cũng ngại ra đường. Tôi đến Hội An vài ngày rồi mà vẫn chưa đi đâu được, suốt ngày ăn rồi tìm chỗ trốn nóng”.
Nhiều người bán nón lá, nón cói cho biết vài ngày nay, sản phẩm này luôn “cháy” hàng. “Giá mỗi chiếc nón lá, nón cói đã tăng vài ngàn đồng nhưng khách vẫn mua rất đông. Dù cũng rất đắt hàng, nhiều tiệm phải liên tục nhập về” - bà Nguyễn Thị Là, chủ một cửa hàng bán nón ở Hội An, cho biết:
Nắng nóng làm nhiều người mưu sinh ngoài đường hết sức ế ẩm. Ngày thường, khách kêu xích lô ở phố cổ này rất khó nhưng vài ngày qua, xe đậu cả ngày mà chẳng có người đi…
Giếng cạn trơ đáy Nắng nóng kéo dài khiến nhiều người dân Quảng Ngãi lâm vào cảnh khốn khó khi hầu hết nguồn nước ngầm đã cạn, giếng thì trơ đáy. Ở xã Trà Phong, trung tâm của huyện Tây Trà, người dân phải trèo đèo gần 3 km “cõng” nước về sinh hoạt. Gia đình nào không có người đành mua nước với giá 5.000 đồng/can (20 lít). Không chỉ ở các huyện miền núi, vùng đồng bằng Quảng Ngãi cũng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Nắng nóng cũng khiến việc phòng cháy rừng ở Quảng Ngãi gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều vụ cháy rừng đã xảy ra. Mới đây, ngày 2-5, hỏa hoạn đã thiêu rụi 2 ha rừng trên núi Thiên Ấn…
Bình luận (0)