xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Về miền Tây coi nước

Ngô Khắc Tài - ảnh huỳnh công bá

Người miền Tây nếu hỏi quan tâm mùa nào trong năm thì trẻ già ai cũng nói đó là mùa nước nổi.

Là mùa vui cuộc sống như được đánh thức dậy nhận quà tặng từ xa của thiên nhiên. Ruộng vườn sau mấy tháng nắng khô hạn nhiễm phân bón, hóa chất nhờ nước lên tẩy rửa và bồi thêm cho lớp phù sa để ruộng vườn trở lại xanh mát tươi trẻ. Mùa nước còn là mùa cá. Cá theo nguồn tìm về để rồi chợ búa nhộn nhịp lên, cá tôm trắng chợ nhảy soi sói. Đây cũng là dịp cho dân nghèo mùa cá mua về làm khô làm mắm để dành ăn quanh năm. Nhất là con cá linh trở thành đặc sản mắm cá linh, nước mắm cá linh với đặc trưng mùi vị hôi mà thơm nồng. Nhiều người ở nước ngoài vẫn nhớ hương vị nó nên có người về phải ra công tìm kiếm trong các chợ xóm quê mới thấy mà mua mang đi. Nhưng mùa nước vui lại là mùa cực hơn, bận rộn hơn. Cuộc sống như được đánh thức. Ở chỗ thấp người ta phải coi lại nhà cửa, chuồng trại chăn nuôi chuẩn bị cây ván để kê sàn lên cho cao tránh nước. Người làm vườn, nuôi cá phải lo đắp be bờ đề phòng. Nông dân vất vả hơn với việc thu hoạch lúa rồi phải tính chỗ phơi lúa, chỗ để bồ lúa. Các làng nghề đóng ghe xuồng, đan lưới chài, lờ lợp phải nhanh tay hơn, làm cả ban đêm mới có đủ mặt hàng bán ra. 

Về miền Tây coi nước - Ảnh 1.

Nói chung chỉ có bọn trẻ vô tư, mong mùa nước tới để được lội nước bơi xuồng đi câu cá, hái bông súng điên điển, bẻ cà na, bẻ gáo, chơi vui mà có thứ đem về nhà ăn. Ngay cả trường học mùa nước mà vẫn tiếp tục dạy là cả vấn đề. Chương trình rút ngắn rồi dạy bù như thế nào, nhất là mùa nước học sinh thường bỏ học. Nhiều năm qua, thời tiết thất thường, mùa nước không về. Thường lệ tháng 7 nước nhảy lên bờ, nhiều năm đồng ruộng vào tháng 7 thiếu nước phải đặt máy bơm nước vào. Người cảm thấy thiếu vắng điều gì đó quen thuộc. Thay vào đó nỗi lo người nghe đài, báo thường xuyên nói đến cái gọi là biến đổi khí hậu. Người ta phải tập làm quen, thích nghi trước thời tiết thay đổi, nhất là cũng đã thấy An Giang nằm sâu trong đất liền nước mặn cũng tìm tới Ba Thê, Núi Sập… Bất ngờ năm nay mùa nước lại về, lại là mùa nước lớn hung. Cuộc sống như bừng dậy, ký ức nhiều người lớn tuổi trước mùa nước mới sống lại nhớ những mùa nước cũ. Mùa nước năm 1978 là một trong những mùa nước lớn, miền Tây có tiếng là vựa lúa vậy mà nhiều gia đình rơi vô cảnh thiếu ăn phải ăn độn bo bo, nấu cháo độn bông điên điển.

BÂY GIờ, XÃ HỘI THAY ĐỔI TIẾN BỘ HƠN XƯA. Người biết sống chung với lũ, đào mương, xẻ rạch dọc ngang bộ mặt đồng ruộng khác trước mà năng suất cũng cao hơn trước. Cuộc sống thay đổi mặc dù vẫn còn đâu đó người nghèo song không còn chuyện người đói và không đủ cơm gạo ăn. Mùa nước lớn năm nay mang tới cho miền Tây niềm vui như là cái vui gặp lại người thân. Nhất là người ở xa cũng biết tin mùa về gọi điện về chia vui, nghe mà thấy lòng bồi hồi, "khi ta ở chỉ là nơi đất ở, khi ta đi đất đã hóa tâm hồn" (thơ Chế Lan Viên).

Miền Tây ruộng đồng thẳng cánh cò bay, nhà nào như cũng có đất để chia cho con. Lớn lên sống quanh quẩn với làng xóm ít đi đâu xa để kiếm sống như những vùng miền khác. Nhưng rồi đất đai như miếng bánh chia ra nhỏ dần, người ngày thêm đông nên ai sinh sau đành phải bỏ quê hương đi tìm miếng ăn. Dân miền Tây giờ có mặt khắp nơi. Những nước giàu Anh, Pháp, Mỹ nói gì; ở các nước nghèo châu Phi nghe nói cũng có dân miền Tây. Qua điện thăm hỏi đủ biết dù đi xa người vẫn luôn theo dõi mắt hướng về quê nhà. Họ quan tâm đến mùa nước quen thuộc như hồi ở quê.

Một người bạn rời quê rất lâu không biết tin tức, tôi cũng đã quên anh. Bất ngờ anh gọi điện về phân bua…, té ra anh vẫn còn nhớ bạn bè xóm làng, nhớ xóm nhà trọ dành cho học sinh ở khu nhà thương. Và rồi anh bày tỏ niềm vui khi thấy miền Tây năm nay lại có mùa nước, tiếc là không về được để đi coi nước. Lời ăn tiếng nói ngày nay đã khác trước, anh bạn vẫn ăn nói như hồi nào tiếng nói của dân miền Tây nôm na thật thà. Ngày nay, người ta nói bệnh viện chớ không ai gọi là nhà thương. Cũng như người ta kêu là tham quan, du lịch sinh thái mùa nước chớ không nói là đi coi nước giống đi coi hát. Sông nước mang lại đời sống no ấm cho miền Tây và thành ra phong cách sống, cái mà nhà văn Sơn Nam gọi là văn minh miệt đồng, văn minh miệt vườn. Và nó cũng sáng tạo ra những từ để nói chuyện với nhau, lắng tai nghe ta thấy cái tình của người qua lời nói dành cho thiên nhiên rất cụ thể mộc mạc nhưng đầy chất thơ.

Thí dụ, những từ "mưa rước nước", "mưa rước cá" được nghe ở tháng 7 với những cơn mưa dầm kéo dài cá nguồn theo nước về đồng. "Nước cầm đồng", "trăng cầm nước" là các từ trong tháng 8, khi nước đã tràn đồng ở lại chơi với đồng vài tháng mới rút đi. Tháng 10 cuối mùa mưa, những cơn mưa rất lớn như là trời muốn trút xuống hết nước để chuyển mùa cũng là lúc cá trong đồng theo nước ra sông nên tháng này có những từ "mưa tiễn nước", "mưa đưa cá". Lại thêm có từ "nực nước", người nơi khác nghe không hiểu nước lên mát mẻ sao lại "nực". Sự thực lúc này là nước vây quanh như tấm kính hội tụ ánh nắng mặt trời. Thay vì cái nóng từ trên chụp xuống, mùa nước, cái nóng nực rất lạ do nước bốc hơi ngược lên.

MÙA NƯỚC VỀ MIỀN TÂY đi coi nước chẳng những con mắt được no trước hình ảnh sông nước chảy cuồn cuộn, xuồng bơi ngược dòng, những vó bè ven sông, cất lưới lên cá linh nhảy trắng xóa, cảnh người lặn hụp cắt lúa mà bụng người cũng được no nhận được từ thiên nhiên mùa nước nhiều món quà tặng. Tôm cá nhiều vô kể, con nào cũng mập béo mỡ. Đồng nước còn đầy các loại thủy thảo chẳng trồng mà mọc như bông súng, bông sen, rau nhút, rau ngổ, rau dừa, cù nèo…, thứ nào cũng xanh non. Trên bờ là các loại bông bí, bông mướp, bông trang, thiên lý…, thứ nào cũng ăn được, nhất là bông điên điển. Rồi xoài, me, bằng lăng, lá lụa đồng loạt trổ đọt lá non mịn màng. Mùa nào thức nấy như câu thơ "đáy dĩa mùa đi nhịp hải hà". Dân quê kết hợp lại các thứ xung quanh làm ra những món ăn như dành riêng cho mùa nước nổi. Cá lóc, cá rô nướng trên lửa than, mỡ rớt xuống xèo xèo phải chấm nước mắm dầm me non. Cá linh nấu canh chua hay kho lạt nhất định phải có bông súng, bông điên điển. Bông điên điển còn được làm nhưn bánh xèo, mà bánh phải ăn kèm với rau, đặc biệt là ăn kèm với lá bằng lăng, lá xoài non mới đúng điệu. Bông điên điển nhất định phải có trong món mắm kho, nhất là món có tên gọi là món mắm ăn chơi không thể thiếu nó. Sao gọi là mắm ăn chơi? Vì đây là món mắm kho mà không ăn với cơm vẫn no bụng. Sao gọi là món mắm ăn chơi? Thì ra đó chỉ là món mắm kho để ăn cơm nấu với cà tím, thịt ba rọi, cá, tép nhưng trở thành món ăn chơi vì người thường không ăn với cơm.

Kho nồi mắm. Trộn một cái thau lớn gồm khoai lang bóp nhuyễn trộn chung với dừa nạo, bông súng xắt nhỏ, rau nhút, rau ngổ, rau dừa, soi nhái, húng cây, húng lủi, bông điên điển, thiên lý, so đũa, cả bông trang bông điệp của vị chua chua. Rồi đọt xoài, đọt bằng lăng, đọt cóc. Nếu như Tây Nguyên có món gỏi lá gồm trăm thứ lá thì ở đây món ăn là như ăn của mùa màng những gì mà thiên nhiên tặng cho mùa nước nổi.

Còn nhớ có lần kho mắm, mùi mắm bay sang hàng xóm, lập tức có người kêu lên "ai kho mắm vậy ta?". "Ai kêu tôi đó?" và người ấy "tự nhiên như người Long Xuyên" bước qua "Cho tao ăn với!". Ba tôi vui vẻ "Ăn không có rượu, đau bụng nghe". Người hàng xóm liền chạy về nhà lấy chai rượu đem qua. Thế rồi hai người bạn già ngồi khề khà thưởng thức buổi tiệc không hẹn trước. Phong cách của dân miền Tây thường là vậy, mộc mạc, tự nhiên để rồi người đi xa có thêm cái để nhớ, góp vô nỗi nhớ quê hương.

Tôi hiểu nỗi buồn của anh bạn mấy mùa rồi không về quê được để đi coi nước. Thôi thì mùa sau vậy, thế nào đứa con xa quê cũng tìm về.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo