Đường Lê Trọng Tấn (quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) dài hơn 1,5 km, rộng 30 m, 4 làn xe, vỉa hè 7,5 m; cột điện chiếu sáng đèn led, hệ thống cây xanh trồng xen kẽ... được cải tạo trở thành tuyến đường kiểu mẫu đầu tiên của thủ đô Hà Nội đã khánh thành vào ngày 7-5. Sẽ không có gì đáng nói nếu tuyến phố này không lắp biển quảng cáo đồng bộ với một mẫu cố định trên nền màu xanh - đỏ đặc trưng (Báo Người Lao Động ngày 13-5 đã phản ánh).
Người kinh doanh gặp khó
Chiều 13-5, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, nhiều chủ cửa hàng kinh doanh trên tuyến phố phàn nàn sự thay đổi này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc kinh doanh của họ. Anh Nguyễn Tuấn Anh (chủ cửa hàng quần áo tại số nhà 204) cho biết cách đây hơn 1 tháng, chính quyền có gọi những người kinh doanh lên và thông báo sẽ làm biển quảng cáo cho doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, biển quảng cáo chỉ 2 tông màu chính là xanh, đỏ và yêu cầu chủ DN ghi những chữ cần in trên đó. Sau đó ít ngày thì mang biển quảng cáo đến lắp.
“Trước đó, tôi làm một cái biển quảng cáo tốn đến 12 triệu đồng nhưng phải dỡ bỏ. Từ khi có biển quảng cáo mới, doanh thu của cửa hàng giảm sút. Trước được 10, giờ chỉ còn 6 hoặc 7. Tôi bán mặt hàng đại diện có logo thương hiệu riêng, biển hiệu cũ màu đen, chữ và logo màu trắng khi có đèn điện bên trong khách hàng rất dễ nhận biết mặt hàng tôi bán. Từ khi thay biển hiệu vừa gây tốn kém, lại mất thêm nhiều khách của tôi” - anh Tuấn Anh phàn nàn.
Anh Tuấn Anh cho biết thêm nếu cho phép thay đổi anh sẵn sàng bỏ tiền túi ra để làm lại biển quảng cáo với kích cỡ đúng yêu cầu của chính quyền. Tuy nhiên, ý tưởng và màu sắc trên quảng cáo phải là của anh.
Chị Hoa (chủ cửa hàng bán máy điều hòa nhiệt độ tại số nhà 162D) nói trước kia cửa hàng có 3 biển quảng cáo có hộp đèn nên rất nhiều khách đến mua hàng. Từ khi lắp biển quảng cáo mới thì lượng khách giảm hẳn, chỉ còn những mối khách hàng quen tìm đến.
“Ép” người dân phạm luật
Phản đối cách làm này, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển nhận định đã có tư duy sai về tuyến phố. Trước đây người ta thường coi học sinh hay nhân viên công sở mặc đồng phục là đẹp nhưng hiện nay phát triển kinh tế hiện đại cùng với xã hội hiện đại, nhiều việc, nhiều vấn đề đi vào cá tính, tuy nhiên trong cá tính phải thể hiện nét chung. “Khu phố khác với khu đô thị của dự án, cùng lắm là chỉ quy chuẩn về kích thước. Về mặt kinh doanh mà can thiệp sâu quá, tự do sáng tạo là không nên. Một tuyến phố hay nói rộng ra là khu phố hiện đại cần được hiểu là giao thông có trật tự, vỉa hè thông thoáng, cây xanh tươi đẹp... chứ không phải cách hiểu hiện đại như kiểu này. Như thế sẽ không còn một TP sáng tạo, năng động nữa”- ông Đinh Thế Hiển đánh giá.
Luật sư Trần Văn Toàn (Đoàn Luật sư Hà Nội) phân tích mặc dù ý tưởng tốt, mục đích nhằm giúp ngăn nắp, trật tự văn minh đường phố tốt hơn, song việc bắt buộc các DN khoác “đồng phục quảng cáo” ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền tự do kinh doanh của DN. Quyền này bao gồm quyền tự do lựa chọn bộ nhận diện thương hiệu, biển hiệu quảng cáo…
Theo Luật sư Trần Văn Toàn, chính quyền chỉ được yêu cầu DN thực hiện đúng quy định về điều kiện an toàn, kiểu cách, kích thước tối đa của biển hiệu cho phù hợp với khu phố chứ không được ép DN chỉ sử dụng 2 màu xanh, đỏ như cách đang làm ở đường Lê Trọng Tấn.
Hơn nữa, việc này vi phạm điều 72, Luật Sở hữu trí tuệ đối với nhận diện thương hiệu, logo của DN. Vì khi thay hoàn toàn quảng cáo thì DN đã không tuân thủ quy định về biển quảng cáo. Yêu cầu của chính quyền lại khiến DN vi phạm hành chính khi logo, biển quảng cáo dùng màu mới không giống như trong đăng ký với Cục Sở hữu trí tuệ.
Nên có “khoảng mở” về màu sắc
Dù vậy, cũng có những ý kiến đồng tình. Ông Trần Trọng Hanh, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội, cho rằng đây là chủ trương tốt của chính quyền TP nhằm xử lý tình trạng quảng cáo bát nháo trên đường phố Hà Nội hiện nay. Theo ông Hanh, việc thống nhất kích cỡ biển hiệu quảng cáo là cần thiết để tránh lộn xộn, tuy nhiên vẫn nên có “khoảng mở” về màu sắc, hoa văn… để chủ các cửa hàng được sáng tạo biển hiệu cho mình. Nói cách khác là tôn trọng sự đa dạng trong thống nhất.
Đồng tình việc “không thể thả nổi về kích thước” biển quảng cáo vì nếu không có quy chuẩn thì rất lộn xộn, chuyên gia thương hiệu Phạm Xuân Hải nhìn nhận nếu chính quyền địa phương cởi mở hơn vấn đề màu sắc có lẽ hiệu quả tốt hơn. “Chủ trương đúng nhưng cách làm chưa linh hoạt. Cá nhân tôi không hài lòng về quy định cứng nhắc là chỉ 2 màu xanh - đỏ nhưng tôi tán đồng việc quy chuẩn hóa về kích thước để tránh lô nhô, thò ra thụt vào, giúp an toàn cả về thi công, mỹ quan...” - chuyên gia này nhận xét.
Không ổn về lâu dài
Cũng như nhiều chủ kinh doanh khác trên phố Lê Trọng Tấn, chị Hồng (quản lý phòng khám nha khoa số nhà 210) đánh giá chủ trương “đồng phục” quảng cáo như vậy là quá cứng nhắc, về lâu dài càng không ổn cho các cửa hiệu kinh doanh. Bởi vì mỗi mặt hàng đều có thương hiệu, logo riêng nhưng chỉ cho phép dùng 2 màu đỏ và xanh sẽ làm khó cho các chủ hộ kinh doanh. “Phòng khám của chúng tôi vừa lắp một biển quảng cáo chạy chữ bằng đèn led cao khoảng 20 cm, dài khoảng 1,5 m. Dù đã để vào bên trong phòng khám không ảnh hưởng gì đến bên ngoài song đại diện chính quyền lại bắt tháo tấm quảng cáo đó ra” - chị Hồng bức xúc.
Bình luận (0)