Xe dù, bến cóc (XDBC), theo cách gọi của các nhà quản lý và của cả các doanh nghiệp (DN) vận tải hành khách, đang có rất nhiều tội: không chịu vào bến bãi quy định của nhà nước; gây ùn tắc giao thông và mất trật tự xã hội; cạnh tranh không sòng phẳng vì trốn thuế; làm hư cán bộ vì bảo kê hoặc chống lưng; phục vụ thiếu chuyên nghiệp.
Về phía XDBC, họ bảo họ không có lỗi gì. Không vào bến bãi quy định vì bất tiện, phiền hà, dân chê. TP HCM kẹt xe vì ý thức chấp hành giao thông của người tham gia giao thông kém, có mấy triệu xe máy và hơn nửa triệu xe hơi chứ không phải vì mấy trăm xe dù. Trật tự xã hội cũng vậy, không có XDBC, TP vẫn mất trật tự. Hơn nữa, nhiều bến cóc làm rất khéo vì mất trật tự thì dân kiện, phường không để yên. Với việc bị quy kết trốn thuế thì nói đúng hơn là lách chứ không trốn được do phí bôi trơn nhiều khi hơn tiền đóng thuế. Còn chuyện cán bộ hư thì lại càng oan vì không có XDBC, cán bộ vẫn hư, thậm chí hư trước khi có họ. Còn với tội phục vụ thiếu chuyên nghiệp, chưa chắc ai hơn ai.
Trong kinh doanh, để cạnh tranh sòng phẳng phải hiểu rõ ta và đối thủ. Tôi không dùng từ cạnh tranh không lành mạnh bởi chỉ có cạnh tranh đúng hoặc sai pháp luật. XDBC đa phần “thân cô” nhưng có quan hệ, được chống lưng. Việc xuất bến cũng đơn giản, không cần thủ tục hành chính. Biết phận “con nhà nghèo”, họ chăm chỉ và tranh thủ lấy lòng khách hàng. Từ việc nghiên cứu để tạo thuận lợi nhất cho khách đi xe, đưa đón tận nơi đến chuyện phục vụ tận tình và giá cả linh động… Điều này, họ ăn đứt các “DN nhà giàu” trong bến bãi. Với nhà nước, XDBC là tệ nạn. Với người dân, XDBC có khi là ân nhân, là lựa chọn số 1 khi phải di chuyển bởi thuận lợi đủ bề.
Nếu các xe trong bến bãi nhà nước có xe trung chuyển chu đáo, phục vụ tận tình, giá cả cạnh tranh và thủ tục đơn giản, XDBC sẽ tự dẹp, không cần hô hào, hội thảo. Còn như hiện nay, người dân đành chịu mang tiếng tiếp tay cho XDBC. Nếu thật sự cầu thị, các bến bãi nhà nước và DN liên quan phải thăm dò ý kiến người dân. Đó là sự tôn trọng tối thiểu người sử dụng dịch vụ. Khi đã hiểu người dân cần gì, muốn gì, các nhà quản lý DN tất biết mình phải làm gì.
Nhiều thứ đang tồn tại trong cuộc sống, dù không chính danh nhưng cần thiết. Muốn dẹp bỏ phải có thứ thay thế tương đương. Muốn chống cái xấu hiệu quả, phải xây được cái tốt khả thi. Ngược lại, bất chấp các hội thảo hay hô hào, các biện pháp hành chính cực đoan, các chỉ đạo kiểu “nói không với…”, nhiều tệ trạng vẫn bền bỉ sống, len lỏi và lách luật vì được nhiều người ủng hộ.
Bình luận (0)