Dư luận cả nước dậy sóng là vì trước đó dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) nghiên cứu tiền khả thi từ cuối năm 2018 và báo cáo Thủ tướng Chính phủ với chiều dài toàn tuyến là 1.559 km, đi qua 20 địa phương, nối Hà Nội và TP HCM; tốc độ thiết kế đoàn tàu 350 km/giờ, tốc độ khai thác 320 km/giờ; thời gian chạy tàu từ Hà Nội - TP HCM là 5 giờ 20 phút (nếu không dừng ở một số ga) và 6 giờ 55 phút nếu dừng ở tất cả ga. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 1,3 triệu tỉ đồng (58,7 tỉ USD) - hơn gấp đôi đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Dự án đường sắt tốc độ cao giá mềm "26 tỉ USD" của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hiện đang ở giai đoạn "chào hàng", và chờ những ý kiến phản biện trong giới chuyên gia, cũng như dư luận xã hội. Một số nội dung cơ bản đang được quan tâm là tốc độ thiết kế của tàu cao tốc. Nhiều ý kiến cho rằng đường sắt trên cao hiện nay trên thế giới đã đạt tốc độ 500 km/giờ, Việt Nam còn khiêm tốn ở mức 200 km/giờ là lạc hậu, sẽ có nguy cơ lạc hậu hơn nữa trong tương lai.
Một ý kiến khác thì quan tâm đến khoảng cách 1.600 km từ Hà Nội đi TP HCM, với khoảng cách này thì tốc độ 200 km/giờ là phù hợp, vì nếu cần nhanh hơn thì đã có máy bay. Một ý kiến nữa là phải tính đến bài toán vận chuyển hàng hóa để khai thác thêm công năng của tàu, vì nếu chỉ chở khách không thôi thì sẽ rất lãng phí; bởi lẽ theo dự báo lượng hành khách sử dụng đường sắt tốc độ cao đến năm 2050 chỉ khoảng 40%.
Bạn đọc có địa chỉ email: thanhduc777@gmail.com đồng tình: Phương án của Bộ KH&ĐT đưa ra là hợp lý vì các thành phố dọc miền Trung chỉ cách nhau trên dưới 100km. Tàu chạy khoảng 30 phút dừng trả và đón khách quá tốt. Và quan trọng là kinh phí giảm hơn một nửa sẽ tiết kiêm nhiều cho ngân sách , cũng như có thể rút ngắn thời gian hoàn thành.
Bạn đọc có bút danh Si So Mai thì quan tâm đến vấn đề kinh phí thực hiện: "Thỉnh thoảng đi đường sắt ra Trung ra Bắc, tôi ngạc nhiên hết sức khi chứng kiến mọi thứ vẫn củ kỷ lạc hậu nhếch nhác như mấy chục năm về trước. Do vậy nếu có dự án làm mới hệ thống đường sắt là điều mọi người dân mong mỏi. Tuy nhiên, làm cái gì cũng phải tính thật kỹ từng đồng vốn đầu tư, tính đến hiệu quả về mặt kinh tế và tiện ích cho người dân. Đừng nên so bì với nước nào hết, mà hãy nhìn vào thực trạng kinh tế xã hội hiện tại của đất nước mà chọn phương án phù hợp nhất, có lợi nhất để tránh lãng phí tiền của của người dân".
Thực tế cho thấy người dân ai cũng mong được thụ hưởng những tiện ích công cộng hiện đại, nhưng người dân cũng đặc biệt quan tâm đến nguồn kinh phí thực hiện, và cách làm của những bộ phận có trách nhiệm.
Bạn đọc Thanh Dũng gửi gắm: rõ ràng hệ thống đường sắt quốc gia hiện nay đã quá cũ kỹ rồi, xây dựng mới hiện đại là việc nên làm, chỉ hy vọng là những người có trách nhiệm thực hiện sẽ làm thật nghiêm túc, có trách nhiệm để không làm mất niềm tin của người dân, và không lãng phí tiền bạc của đất nước.
Bạn đọc "Sáu Chảnh Chọe" kỳ vọng thêm : dự án đường sắt cao tốc Bắc- Nam sắp tới đây chắc chắn sẽ có cái nhìn giám sát của toàn dân, và quốc hội"
Bình luận (0)