Trong buổi thẩm tra dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Phùng Xuân Nhạ trình ra Quốc hội sáng 30-5, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (UBVH-GD-TN-TN-NĐ) tán thành quan điểm tính đúng, tính đủ học phí nhưng không nhất trí việc thay thuật ngữ "học phí" bằng giá dịch vụ đào tạo…
Cơ quan thẩm tra cho rằng có thể xem giáo dục đại học là dịch vụ đặc biệt nhưng không thương mại hóa; phân định rõ quản lý nhà nước với quản trị của trường đại học trên cơ sở đẩy mạnh tự chủ và nâng cao trách nhiệm giải trình.
Ngoài ra còn có nhiều nội dung thẩm tra khác như tự chủ đại học, rút ngắn thời gian học đại học…
Trong trình bày của mình, Bộ trưởng Nhạ cũng đề nghị đổi cụm từ "học phí" thành "giá dịch vụ đào tạo"!
Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, tên gọi "giá dịch vụ đào tạo" được đề xuất trong Luật Giáo dục Đại học sửa đổi được hiểu là bao gồm phí dịch vụ đào tạo, dịch vụ tuyển sinh và các khoản thu dịch vụ khác...
Người ta có cảm giác như Bộ GD-ĐT "học tập" y boong Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), đổi "trạm thu phí BOT" bằng "thu giá" gây "bão" dư luận dữ dội trong thời gian qua, đến nỗi Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phải đề nghị Bộ GTVT tìm thuật ngữ khác để diễn tả cho phù hợp. Chẳng lẽ Bộ GD-ĐT không biết dư luận đó mà vẫn cứ vô tư "đánh đu" với khái niệm "giá"!
Rất may, UBVH-GD-TN-TN-NĐ không đồng ý việc thay thuật ngữ "học phí" bằng "giá dịch vụ đào tạo" như thể hiện trong dự thảo luật và đề nghị cân nhắc sử dụng khái niệm "học phí" như quy định trong dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục.
Về mặt ngữ nghĩa, cũng hết sức vô lý nếu dùng thuật ngữ "giá dịch vụ đào tạo". Chẳng lẽ phụ huynh đóng tiền học phí cho con em mình, ví dụ học phí lớp 9 chẳng hạn, thì gọi là "nộp giá dịch vụ đào tạo lớp 9"?! Khái niệm "thu giá" đã vô nghĩa thì khái niệm "giá dịch vụ đào tạo" càng bất ổn. Ví dụ, "lệ phí thi" chẳng lẽ gọi là "giá thi"!?
Khái niệm "thu giá" của Bộ GD-ĐT lập tức gây những cơn bão mạng dữ dội nhưng chiều 30-5, Bộ trưởng Nhạ vẫn kiên trì giải thích với các đại biểu Quốc hội, viện dẫn Nghị định 16, Luật giá… Bộ GTVT cũng có giải thích tương tự về "trạm thu giá" BOT nhưng Chính phủ lẫn dư luận cũng không đồng tình.
Bộ GD-ĐT có trong tay hàng ngàn GS, PGS, TS, đặc biệt có rất nhiều GS, PGS, TS ngôn ngữ mà vẫn bị cái khái niệm "giá" lôi kéo, là sao?
Chẳng lẽ Bộ GD-ĐT lại bắt chước Bộ GTVT đùa chơi với từ "giá"!?
Bình luận (0)