Lúc 8 giờ ngày 23-6, một chiếc xe cấp cứu bóp còi liên tục để ra hiệu cho nhóm buôn bán hàng rong nhanh chóng nhường lối vào cổng cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy (quận 5, TP HCM). Thế nhưng, phải mất 3 lần nhấn còi, nhóm hàng rong mới tìm cách dẹp qua một bên cho xe vào.
Không còn đường để đi
Đêm đến, tại nơi đây, cảnh tượng lấn chiếm trở nên khủng khiếp hơn khi lòng lề đường Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Tri Phương (quận 10) thành nơi đặt bàn, ghế của nhiều nhà hàng, quán ăn. Người đi bộ không còn đường để đi.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở hầu hết các tuyến đường trong TP như Nguyễn Siêu, Nguyễn Thái Học, Trần Đình Xu, Nguyễn Cảnh Chân, Phó Đức Chính (quận 1), Cách mạng Tháng Tám (quận 1, 3, 10, Tân Bình…), Phạm Văn Đồng (quận Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh, Thủ Đức)… Đâu đâu cũng thấy xuất hiện hàng quán, công khai chiếm dụng vỉa hè, lòng đường làm nơi buôn bán, đậu đỗ xe máy, ôtô. Điển hình, dọc tuyến đường Trường Sa và Hoàng Sa, vô số hàng quán mọc san sát nhau, "nuốt" trọn không gian vỉa hè, thậm chí nhiều quán còn sắp xếp bàn ghế tràn hết lề đường, cho nhân viên xuống lòng đường vẫy khách, chặn xe, tranh giành, chèo kéo, bất chấp việc này làm ách tắc giao thông nghiêm trọng.
Hay tại quận 5, đường Hải Thượng Lãn Ông có vỉa hè hai bên rộng 5 m nhưng nơi nào cũng bị các hộ kinh doanh chiếm dụng, cá biệt có trường hợp chiếm hết 5 m vỉa hè, đẩy người đi bộ xuống lòng đường. Đường Trần Hưng Đạo B kéo dài từ đường Phùng Hưng đến đường Học Lạc, vỉa hè chỉ 3 m cũng bị các cửa hàng tận dụng để xe, trưng bày hàng hóa. Cả khu vực này như cái chợ tạm, các hộ buôn bán vô tư bày biện hàng hóa, người mua cứ thế đậu xe giữa đường. Một số tuyến phố mua bán sầm uất như Hùng Vương, Châu Văn Liêm cũng có tình trạng tương tự.
Hàng rong bao vây cổng Bệnh viện Chợ Rẫy, TP HCMẢnh: Lê Phong
Vỉa hè đường Hải Thượng Lãn Ông (quận 5, TP HCM) bị các cửa hàng chiếm dụng trưng bày sản phẩm và để xe máyẢnh: Thu Hồng
Sạp hàng đua nhau “nuốt” vỉa hè, tràn xuống đường ở khu vực chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh, TP HCM) Ảnh: Ý Linh
Bày bàn ghế chiếm trọn vỉa hè trên đường Nguyễn Cảnh Chân (quận 1, TP HCM) Ảnh: Ý Linh
"Nay dẹp, mai cũng tụ lại thôi"
Đô thị càng thêm nhếch nhác, giao thông càng lộn xộn khi nhiều nơi người dân họp chợ tràn cả xuống đường. Khu vực chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh) hoạt động từ sáng sớm đến tối mịt với đầy đủ các mặt hàng được bày bán trên vỉa hè, tràn xuống cả lòng đường. Kế đó, mỗi khi đêm xuống, con hẻm Trịnh Hoài Đức (cắt đường Phan Đăng Lưu, quận Bình Thạnh), các quầy kinh doanh quần áo "nuốt trọn" vỉa hè, lòng đường bị chiếm dụng làm nơi tập kết rác thải.
Nhiều góc đường, ngã tư ở Lê Văn Sỹ (quận 3, Phú Nhuận, Tân Bình), Phan Đăng Lưu (quận Bình Thạnh, Phú Nhuận)… trở thành nơi tập trung của nhiều gánh hàng rong tạm bợ. Người bán, người mua vô tư trao đổi, mặc cả, mặc kệ các phương tiện bấm còi inh ỏi đòi qua. Đoạn đường Cách mạng Tháng Tám (phường 14, quận 10), gần chợ Hòa Hưng, cả một đoạn dài hơn 200 m bị xe đẩy, xe hàng rong chiếm dụng. Thấy chúng tôi đưa máy hình lên chụp, một người bán hàng không ngần ngại cho biết: "Chợ nào cũng vậy, cứ phải đông đúc, chen chúc xuống đường thì mới xôm tụ, hôm nay có dẹp xe hàng rong thì mai họ cũng tụ lại thôi".
Không chỉ các quận nội thành, một số tuyến đường có mật độ giao thông cao ở các huyện ngoại thành cũng đau đầu với nạn chiếm dụng vỉa hè để buôn bán. Đoạn đường Thới Hòa (xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh) hay giao lộ Vĩnh Lộc - Quách Điêu (xã Vĩnh Lộc A) chỉ một đoạn chưa đầy 1 km nhưng nhiều năm nay, chính quyền địa phương tổ chức họp nhiều lần vẫn không thể dẹp được hàng rong. Từ 16 giờ đến 18 giờ hằng ngày, nơi đây thường xuyên xảy ra ùn ứ giao thông do hàng rong, chợ tạm. Tương tự, đường Phan Văn Hớn (đoạn qua xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn) tan tầm là điểm đến "lý tưởng" của xe hàng rong, dù UBND huyện Hóc Môn phải vất vả vận động người dân hiến đất mở thêm mỗi bên 1 m đường nhưng vừa mở rộng lại bị xe đẩy hàng rong chiếm dụng, gây cảnh bát nháo, nguy cơ tai nạn vào giờ tan tầm.
Tại cổng KCN Pou Yuen hay đường số 7 (phường Tân Tạo, quận Bình Tân), mỗi buổi chiều có hàng trăm người kéo về bán hàng, nhiều người đặt xe đẩy nằm giữa lòng đường khiến phương tiện giao thông phải đi đường vòng. Đoạn Trường Chinh từ cầu Tham Lương đến siêu thị Pandora (phường Tây Thạnh, quận Tân Phú) có vỉa hè rộng hơn 6 m nhưng bị chiếm dụng để các cửa hàng trưng bày hoa kiểng. Đi qua siêu thị Pandora vài trăm mét, cả một đoạn vỉa hè hơn 200 m đường Trường Chinh (phường 14, quận Tân Bình) cũng bị chiếm dụng bởi hàng chục đại lý vé số, cửa tiệm bán hoa, sửa xe…
"Bất kể sáng hay chiều, cứ mở cửa buôn bán là các cửa hàng này lại mang cây kiểng bày hết trên vỉa hè. Đi qua mấy đoạn này, người đi bộ buộc phải xuống lòng đường, vừa đi vừa run vì xe cộ chạy tấp nập" - bà Dân, sống ở khu vực này, bức xúc nói.
Tìm giải pháp cho vỉa hè
Trong những năm qua, chính quyền TP HCM đã quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt nhằm lập lại trật tự lòng, lề đường của TP. Dù có những chuyển biến nhưng tình hình trật tự đô thị còn những hạn chế, bất cập; lòng đường, vỉa hè vẫn bị lấn chiếm để kinh doanh, buôn bán làm mất mỹ quan đô thị, cản trở sự phát triển của TP và gây bức xúc trong nhân dân.
Bằng cách nào để lập lại trật tự lòng, lề đường triệt để nhất? Báo Người Lao Động mở diễn đàn "Tìm giải pháp cho vỉa hè", mời bạn đọc hiến kế giải pháp cũng như giới thiệu những cách làm hay để công tác quản lý trật tự đô thị trên địa bàn TP được hiệu quả hơn.
Ý kiến xin gửi về địa chỉ e mail: bandoc@nld.com.vn.
Trân trọng!
Bình luận (0)