Do đó, vai trò của người dược sĩ ở nhà thuốc để hướng dẫn người bệnh dùng thuốc đúng theo toa bác sĩ, cách bảo quản thuốc tốt cũng như tư vấn, tiếp nhận thông tin và phản hồi về những vấn đề liên quan đến thuốc cho người bệnh và cho nhà sản xuất, đã bị đánh mất. Trong khi đó, ở phòng mạch tư, chỉ một ít bác sĩ thực hiện việc kê đơn thuốc cho bệnh nhân, và thường là những vị có uy tín ở các TP lớn, còn lại hầu như khám bệnh xong là bán thuốc luôn cho bệnh nhân bằng những bọc ni lông vô thuốc sẵn; thậm chí một số bác sĩ còn xé đi bao bì nhãn hiệu mà nhà sản xuất đã dùng nhằm chống sự nhầm lẫn thuốc, chống tác hại của môi trường đến chất lượng thuốc, dưới tác dụng của ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm (hoạt chất chứa trong thuốc tây rất dễ bị phân hủy, biến đổi thành những chất không có hoạt tính chữa bệnh, thậm chí còn chứa nhiều tác dụng phụ nguy hiểm). Đây là hành vi cần phải ngăn chặn kịp thời.
Ở nước ta, mức thu nhập của đa số người dân còn thấp, khi bị bệnh nhẹ hoặc bệnh chuyên khoa thì thường ngại đến phòng khám bệnh viện, do phải tốn tiền khám cận lâm sàng, tiền mua toa thuốc không rẻ; cũng như ngại đến phòng mạch tư, do vừa tốn tiền khám, lại còn thêm tiền thuốc, nên họ thường ra nhà thuốc khai bệnh, hy vọng uống một vài liều là sẽ hết bệnh ngay, dẫn tới tình trạng người mướn bằng dược sĩ (có lúc không ở trong ngành y), dược tá đứng bán thuốc, nghiễm nhiên kiêm luôn chức năng bác sĩ và dược sĩ. Hậu quả là người bệnh tiền mất tật mang, thậm chí còn mắc thêm bệnh mới do tác dụng phụ của thuốc gây ra: nhẹ có thể dị ứng, loét bao tử, suy gan, suy thận, thoái hóa khớp, mục xương, v.v... nặng có thể dẫn đến tử vong, suy thận, suy gan không hồi phục.
Dược sĩ Nguyễn Đình Toại
(Công ty Dược phẩm Vaxupharm An Giang)
Bình luận (0)