Liên tiếp các vụ đuối nước xảy ra khiến lòng người xót xa. Mới nhất là vụ xảy ra ngày 3-6, trong lúc theo phụ huynh đi chơi ở suối Đá Bàn (TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang), 2 bé gái 11 tuổi đến khu vực suối để tắm thì không may bị đuối nước tử vong.
Trên các diễn đàn mạng xã hội lại rộ lên đề xuất phổ cập bơi lội cho trẻ - vấn đề đã được nói rất nhiều, nhất là mỗi khi hè về, gia tăng các vụ đuối nước.
Tại Việt Nam, đuối nước là một trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ từ 5-14 tuổi. Trong giai đoạn 2016-2020, trung bình mỗi năm có hơn 2.000 trẻ tử vong do đuối nước, cao nhất ASEAN và cao gấp 10 lần các nước phát triển.
Dù gần đây, nhận thức của cộng đồng đã dần thay đổi: trường học mở cửa dịp hè và dạy bơi miễn phí cho học sinh, nhiều địa phương khởi công xây dựng bể bơi và đưa các trung tâm dạy bơi vào hoạt động…
Nhưng chừng ấy vẫn chưa đủ so với nhu cầu học bơi, phổ cập kỹ năng bơi lội trong cộng đồng. Rất cần sự huy động sức mạnh cộng đồng, nhân rộng hơn nữa mô hình xã hội hóa trong việc phổ cập bơi lội để nâng cao tỉ lệ trẻ biết bơi, giảm thiểu con số tử vong thương tâm.
Biết bơi là một chuyện, cứu mình và cứu người thoát khỏi mối nguy đuối nước lại là một chuyện khác. Bơi giỏi nhưng thiếu kỹ năng thoát đuối và cứu đuối vẫn gây ra thảm cảnh bi thương.
Vì vậy, song song với việc phát triển các mô hình dạy bơi, cần tăng cường mở các lớp hướng dẫn sơ cấp cứu người bị đuối nước để ứng cứu kịp thời, đúng kỹ thuật trong cuộc chiến giành sinh mạng với tử thần.
Ngoài ra, cùng với việc trang bị kỹ năng bơi lội, cần giáo dục trẻ tuyệt đối không chơi đùa gần ao - hồ - sông - suối; không được chủ quan khi xuống nước; chỉ được phép bơi lội khi có sự giám sát của người lớn và phương tiện cứu hộ...
Bình luận (0)