Cuối năm 2014, các bệnh viện thuộc Bộ Y tế sẽ bắt đầu tăng viện phí. Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế), cho biết Bộ Y tế đang phân loại các phẫu thuật, thủ thuật để tiến tới áp dụng viện phí mới đối với các bệnh viện trực thuộc bộ vào cuối năm 2014. Việc tăng viện phí này nằm trong lộ trình để từng bước tính đúng, tính đủ chi phí thực hiện các dịch vụ y tế vào năm 2018.
“Gánh” thêm nhiều chi phí
Theo ông Nguyễn Nam Liên, giá các ca phẫu thuật đặc biệt (như ghép tạng, mổ tim…) tối đa sẽ tăng thêm 1.520.000 đồng/ca; phẫu thuật loại I tăng tối đa 660.000 đồng/ca; phẫu thuật loại II tăng tối đa 340.000 đồng/ca và phẫu thuật loại III tăng tối đa 190.000 đồng/ca… Các thủ thuật cũng tăng lên tối đa 300.000 đồng/ca với thủ thuật loại đặc biệt và thấp nhất là thủ thuật loại III là 28.500 đồng/ca. Đây là số tiền sẽ trả cho cả kíp phẫu thuật, thủ thuật. Cùng đó, giá giường bệnh cũng “gánh” thêm chi phí trả cho chế độ phụ cấp trực với mức điều chỉnh tăng từ 11.000-20.000 đồng/ngày tùy hạng bệnh viện.
Theo lộ trình này, đến năm 2015, viện phí sẽ tính thêm tiền lương theo mức từ 20%-50% quỹ tiền lương cơ bản đối với từng tuyến bệnh viện. Trong giai đoạn 2016-2017, chi phí tiền lương sẽ được tính theo mức 50%-100% quỹ tiền lương cơ bản cộng thêm khấu hao trang thiết bị trực tiếp thực hiện dịch vụ và chi phí quản lý, vận hành bệnh viện. Sau năm 2018, viện phí sẽ tính đầy đủ chi phí để thực hiện dịch vụ.
Không chỉ các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế điều chỉnh viện phí mà theo Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, đến đầu tháng 7-2014, có 29 tỉnh, thành dự kiến tiếp tục điều chỉnh viện phí trong năm 2014 sau khi tăng một lần trong thời gian 2012-2013. Theo báo cáo mới nhất này, tỉnh Bình Phước đã áp dụng điều chỉnh đa số các dịch vụ y tế thường sử dụng từ mức 58% lên 75% so với khung giá tối đa. Tại Cà Mau, hiện Sở Y tế đang xin ý kiến UBND tỉnh về việc điều chỉnh giảm 10 dịch vụ, tăng hơn 160 dịch vụ với tỉ lệ từ 70%-100% so khung giá tối đa. Nhiều địa phương khác như Cần Thơ, Tiền Giang, Khánh Hòa, Đồng Tháp, Đắk Nông, Yên Bái, Tuyên Quang, Hà Nam, Hải Phòng… cũng đề xuất các phương án điều chỉnh giá dịch vụ y tế.
Không ảnh hưởng người có thẻ BHYT
Giải thích lý do điều chỉnh giá và bổ sung các dịch vụ kỹ thuật mới vào danh mục, nhiều địa phương cho rằng đó là nhằm bảo đảm quyền lợi cho người dân khi thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT). Còn theo đại diện Bộ Y tế, mức điều chỉnh tăng của các tỉnh là phù hợp bởi trước đó những nơi này đều có mức tăng thấp so với khung viện phí được ban hành. Việc điều chỉnh này không ảnh hưởng tới người có thẻ BHYT. “Với 70% dân số đã có thẻ BHYT, người dân có nhiều thuận lợi hơn khi đi khám chữa bệnh bởi nhiều dịch vụ được BHYT chi trả, người bệnh không phải bỏ tiền túi để thanh toán khoản chênh lệch mà trước đó BHYT chưa chi trả” - ông Liên nhấn mạnh.
Theo Bộ Y tế, khi lương được tính vào viện phí, ngân sách từ nhà nước chi cho y tế công sẽ được chuyển sang hỗ trợ trực tiếp cho người sử dụng dịch vụ y tế như hỗ trợ mua hoặc cấp miễn phí thẻ BHYT. Năm 2013, quỹ BHYT thanh toán cho hơn 125 triệu lượt khám chữa bệnh với số tiền gần 48.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, trên thực tế số tiền người dân chi trả cho y tế từ tiền túi còn cao. Tình trạng lạm dụng quỹ BHYT của các cơ sở khám chữa bệnh vẫn chưa được khắc phục triệt để, nhất là việc chỉ định quá mức các dịch vụ y tế không cần thiết, gây tốn kém cho người dân...
Bà Nguyễn Kim Phương, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam, cho rằng hiện nay chi trả cho dịch vụ y tế từ tiền túi của người dân vẫn chiếm gần 50%. Nếu không có những giải pháp cụ thể để giảm chi phí trực tiếp từ tiền túi người dân, sẽ đẩy những người nghèo mắc bệnh vào cảnh nghèo hơn.
Rút ngắn thời gian chờ khám bệnh
Bộ Y tế cho biết thời gian vừa qua, các bệnh viện trên cả nước đã thực hiện quyết liệt việc cải tiến quy trình khám chữa bệnh, rút ngắn xuống còn 4-8 bước so với quy trình phổ biến từ 10-15 bước trước đây. Nhờ đó đã giúp các bệnh viện giảm được thời gian chờ đợi trung bình 40 phút cho mỗi người bệnh. Ngoài ra, cũng cắt giảm 2/5 chữ ký trong phiếu thanh toán ra viện. Người bệnh có thẻ BHYT không phải tạm ứng trừ trường hợp khám theo yêu cầu.
Bình luận (0)