Báo cáo tổng kết tình hình kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL năm 2013 của Ban Chỉ đạo (BCĐ) Tây Nam Bộ cho biết tốc độ tăng trưởng kinh tế của vùng chỉ đạt 9,06% (không hoàn thành chỉ tiêu đề ra là từ 10%-11%). Nguyên nhân là do các doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất - kinh doanh, giá cả hàng hóa giảm, chi phí đầu vào cao, thị trường xuất khẩu không thuận lợi… Thế mạnh của vùng là nông nghiệp, giá trị toàn ngành ước đạt 164.534 tỉ đồng (tăng 4%) nhưng giải pháp về tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng và giá trị để phát triển bền vững chưa có hiệu quả. Trong đó, sản lượng lúa (đạt 24,8 triệu tấn) và thủy sản (trên 3,4 triệu tấn) luôn tăng nhưng đời sống nông dân chưa được cải thiện.
TS Nguyễn Văn Sánh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL - Trường ĐH Cần Thơ, cho rằng việc tổ chức sản xuất nối kết với thị trường của vùng đang “có vấn đề”. Hiện trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, bình quân 1 hộ chỉ có 0,57 ha đất sản xuất đã gây cản trở đầu tư lớn vào nông nghiệp. Sự manh mún còn thể hiện thông qua các quy hoạch, chủ trương đầu tư đã chia cắt chuỗi giá trị ngành hàng, không gian kinh tế vùng bị vỡ vụn ra theo từng tỉnh, thành. Từ đó, nhu cầu liên kết vùng đang đặt ra như một mệnh lệnh của phát triển.
Vừa qua, Trường ĐH Cần Thơ, Viện Lúa ĐBSCL và Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam dưới sự chỉ đạo, phối hợp của BCĐ Tây Nam Bộ, các bộ - ngành liên quan và 13 tỉnh, thành trong vùng đã xây dựng Đề án liên kết vùng ĐBSCL trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đề án là điểm nhấn để thực hiện “tam nông”. Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã có ý kiến chỉ đạo, giao BCĐ Tây Nam Bộ chủ trì, phối hợp với các địa phương trong vùng tăng cường liên kết vùng. Tuy nhiên, để làm sao chia sẻ lợi ích giữa các địa phương trong vùng là một bài toán nan giải. “Ba tỉnh liền kề nhau, có điều kiện sản xuất giống nhau thì sẽ đặt nhà máy ở tỉnh nào. Nếu đặt ở tỉnh này, 2 tỉnh kia không có thì thất thu nguồn ngân sách. Có thể nghĩ ra cách chia sẻ lợi ích hài hòa được không, đây là vấn đề rất khó” - Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đặt vấn đề tại một cuộc họp ở TP Cần Thơ vào cuối năm 2013.
Ông Trần Hữu Hiệp, Vụ trưởng Vụ Kinh tế - BCĐ Tây Nam Bộ, ví von: Nền sản xuất hàng hóa ở ĐBSCL như một chàng trai đang lớn nhanh, cần một “chiếc áo pháp lý” vừa vặn. “Cơ chế liên kết vùng ĐBSCL cần được “may đo” từ tư duy về quy hoạch phát triển. Đó là phát triển nền nông nghiệp ĐBSCL trong điều kiện cạnh tranh giành ưu thế trên thị trường nông sản thế giới. Đã có nhiều ý kiến chuyên gia về việc xây dựng các “cluster” - cụm ngành kinh tế liên hoàn trong lĩnh vực nông nghiệp mà vùng ĐBSCL có thế mạnh. Đây cũng là mô thức của các nền nông nghiệp phát triển trên thế giới nhằm gắn kết sản xuất với chế biến và tiêu thụ” - ông Hiệp nói.
ÔNG Võ Văn Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu:
Cần có quy chế liên kết vùng
Có thể khẳng định rằng những năm vừa qua, vấn đề mấu chốt khiến các địa phương trong khu vực ĐBSCL chưa thể gắn kết để cùng nhau phát triển là liên kết vùng còn yếu kém, còn thể hiện trên giấy. Để thực thi hóa vấn đề này trong năm năm 2014 và các năm tiếp theo, các địa phương nên ngồi lại với nhau để cùng bàn bạc và đi đến thống nhất xem địa phương nào làm cái gì và không nên làm cái gì; tránh tình trạng mạnh ai nấy làm và làm tràn lan, không theo một quy chuẩn, quy hoạch nào hết. Nên dừng ngay việc mở thêm các nhà máy chế biến thủy sản, đặc biệt là chế biến tôm, để góp phần ổn định nguồn nguyên liệu, nâng cao chất lượng để con tôm Việt Nam ngày càng có vị thế vững mạnh trên thị trường quốc tế. Ngược lại, có những lĩnh vực cùng nhau làm càng nhiều cái mới càng tốt, đó là du lịch. Điều này không có nghĩa là địa phương nào làm cái này thì địa phương kia cũng làm y chang như vậy mà phải dựa vào thế mạnh, tiềm năng riêng của mỗi địa phương để làm sao ngày càng có nhiều sản phẩm của khu vực ra đời nhưng không trùng lắp.
Để làm được điều này, theo tôi thì cần phải có quy chế liên kết vùng để dựa vào đó, các địa phương bắt tay ngay vào thực thi. Đối với Bạc Liêu, chúng tôi quyết tâm thực hiện quan điểm riêng của mình, đó là “Bạc Liêu đi lên từ văn hóa” nhằm đề cao yếu tố văn hóa, đạo đức, nhân tâm trong mọi hoạt động từ lãnh đạo, điều hành đến phong cách làm việc, ứng xử của cán bộ, công chức cũng như của người dân. Điều này không có nghĩa là tách rời văn hóa với các lĩnh vực khác mà lấy văn hóa làm vị trí trung tâm để kết nối các lĩnh vực khác của tỉnh cùng nhau phát triển, từ đó kết nối với các địa phương trong khu vực và trong cả nước đến gần với Bạc Liêu hơn.P.Công
Bình luận (0)