Phần xương đầu của con voi đực đã bị lấy mất
Thành lập đội điều tra
Ngày 26-8, sau nhiều giờ băng rừng, chúng tôi đã tiếp cận được nơi 2 con voi nằm chết tại khoảnh 7, Tiểu khu 257 VQG Yok Đôn thuộc địa bàn xã Ea Bung, huyện Ea Súp – Đắk Lắk. Tại hiện trường, xác con voi đực đã bị xẻ lấy một phần xương mặt và một đoạn vòi bị rời ra. Cách đó 5 m là xác con voi cái.
Theo nhận định của cơ quan chức năng, 2 con voi này chết cách đây khoảng 1 tháng, đang trong quá trình phân hủy, trương phình, bốc mùi hôi thối. Xung quanh khu vực này còn có rất nhiều dấu vết voi xuất hiện. Ông Trần Văn Thành, quyền Giám đốc VQG Yok Đôn, cho biết qua dấu vết còn để lại, nhất là trên xác con voi đực, theo nhận định ban đầu, đây là một vụ săn bắn voi rừng để lấy ngà hết sức nghiêm trọng.
Xác của 2 con voi nằm sâu trong vùng lõi của VQG Yok Đôn nên gây không ít khó khăn cho cơ quan chức năng khi tiếp cận hiện trường. Tuy nhiên, suốt ngày 26-8, lực lượng công an hơn 20 người đã tích cực triển khai các biện pháp nghiệp vụ nhằm sớm làm rõ nguyên nhân dẫn đến cái chết của 2 con voi rừng.
Thượng tá Trần Mạnh Hiếu, Phó trưởng Công an huyện Ea Súp, cho biết sau khi vụ việc xảy ra, Công an tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Công an và VKSND 2 huyện Buôn Đôn, Ea Súp thành lập đội điều tra để xác định nguyên nhân voi chết. “Kết quả khám nghiệm cho thấy rõ ràng 2 con voi này chết là do tác động của ngoại lực chứ không phải bị bệnh” - thượng tá Hiếu nói. Theo một lãnh đạo VQG Yok Đôn, 2 con voi bị sát hại này nhiều khả năng thuộc đàn gần 30 con thường xuyên xuất hiện tại VQG thời gian gần đây.
Đủng đỉnh bảo tồn
Tại Đắk Lắk, nơi có số lượng voi nhà và voi rừng nhiều nhất cả nước (52 con voi nhà và khoảng 100 con voi rừng), công tác bảo tồn vẫn hết sức chậm chạp. Voi rừng ở Đắk Lắk sống tập trung trong 3 khu vực: VQG Yok Đôn, phía Bắc - Tây Bắc huyện Ea Súp và phía Tây Bắc huyện Ea H’leo (đã xác định khoảng 5 con).
Địa bàn huyện Ea Súp có khoảng 30 con voi rừng sinh sống nhưng đây cũng là khu vực mà loại thú này bị tác động mạnh nhất. Theo đề án bảo tồn voi, cần phải chuyển đổi khoảng 30.000 ha rừng nghèo kiệt ở Ea Súp sang rừng đặc dụng để voi sinh sống. Đây là phần diện tích do 2 Công ty lâm nghiệp Ea H’mơ và Ya Lốp quản lý, rừng đã nghèo kiệt, không còn chỉ tiêu khai thác gỗ nhưng không hiểu vì sao cơ quan chức năng vẫn chưa chuyển đổi mục đích sử dụng để bảo tồn voi.
Ông Huỳnh Trung Luân, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk, đánh giá: “Trong những năm gần đây, ngoài việc người dân vào phá rừng làm rẫy, tỉnh còn giao cho các doanh nghiệp trồng cao su nên một số loài thực vật vốn là thức ăn của voi bị cạn kiệt, ảnh hưởng đến quy luật di chuyển và tìm kiếm thức ăn của voi”.
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng vẫn chưa tìm kiếm được vị trí phù hợp để xây dựng một trung tâm bảo tồn voi. Sau khi Tổng cục Lâm nghiệp không đồng ý cho xây dựng khu chăn thả, chăm sóc sức khỏe voi trong VQG Yok Đôn, Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk phải khảo sát 200 ha tại Tiểu khu 467 thuộc Ban Quản lý Rừng phòng hộ Buôn Đôn. Tuy nhiên, hiện các bên liên quan vẫn chưa thống nhất được địa điểm này.
Đưa xác voi về bảo tàng Đến chiều 26-8, lực lượng chức năng đã hoàn tất việc khám nghiệm hiện trường, giao 2 xác voi cho VQG Yok Đôn bảo vệ tạm thời. Sau đó, xác 2 con voi này sẽ được chuyển đến Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam. Trước đó, vào cuối tháng 3-2012, cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk liên tiếp phát hiện 3 con voi rừng chết trên địa bàn huyện Ea Súp. Trong đó, một con voi đực nặng khoảng 2 tấn bị kẻ gian giết lấy ngà, vòi, đuôi và nhiều phần trên cơ thể. |
Bình luận (0)