Ngày 27-7, đại diện hợp pháp của bị cáo Nguyễn Hoàng Tuấn cho biết đã nộp đơn kháng cáo yêu cầu TAND TP HCM xem xét toàn bộ bản án sơ thẩm mà TAND quận Thủ Đức đã tuyên trước đó đối với bị cáo này về tội “Cướp giật tài sản”. Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Ôn Văn Thành (SN 1963, cha bị cáo Ôn Thành Tân) cho biết cũng đang làm đơn kháng cáo lên cấp phúc thẩm.
Trong khi đó, Thẩm phán Ung Thị Xuân Hương, Chánh án TAND TP HCM, cho biết đến nay, TAND TP HCM chưa nhận được hồ sơ của vụ án này. Tuy nhiên, về quan điểm, TAND TP sẽ xét xử phúc thẩm theo tinh thần mà Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình đã chỉ đạo.
Thẩm phán Huỳnh Ngọc Ánh, Phó Chánh án TAND TP HCM, chia sẻ: “Sau khi vụ án này được TAND quận Thủ Đức xét xử và tuyên án, báo chí, mạng xã hội cũng như các chuyên gia pháp lý có 2 luồng ý kiến. Một bên cho rằng mức án tòa tuyên đối với Tân 8 tháng 20 ngày tù là quá nặng nhưng cũng có nhiều ý kiến cho rằng mức án này đúng người, đúng tội và đúng pháp luật. Trong quá trình thụ lý vụ án, TAND quận Thủ Đức đã thận trọng xem xét hồ sơ nên tòa đã trả hồ sơ để VKSND cùng cấp làm rõ việc các bị cáo sử dụng xe máy để đi cướp hay để bỏ trốn. Sau đó, tòa sơ thẩm xét thấy mức độ cũng như hành vi phạm tội của Tân không cần thiết phải tạm giam thêm nữa nên đã thay đổi biện pháp ngăn chặn, cấm đi khỏi nơi cư trú chờ ngày xét xử. Chúng tôi đang chờ TAND quận Thủ Đức chuyển hồ sơ rồi HĐXX cấp phúc thẩm sẽ nghiên cứu các tình tiết, thận trọng và cân nhắc kỹ lưỡng”.
Về thời hạn tạm giam bị cáo Ôn Thành Tân, ông Ánh cho rằng với hành vi như cáo trạng nêu mà “tạm giam như vậy là quá lâu”. Theo tinh thần của Bộ Luật Tố tụng hình sự 2015, những trường hợp tương tự như vụ án này không cần phải tạm giam nên các cơ quan tiến hành tố tụng, trong đó có TAND quận Thủ Đức, sẽ rút kinh nghiệm không để xảy ra những vụ việc như vậy.
“Trong quá trình xét xử, các thẩm phán phải tôn trọng việc xét xử độc lập, chỉ tuân theo pháp luật, không được vị nể các cơ quan tố tụng cùng cấp như CQĐT và VKSND mà tuyên mức án không phù hợp. Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình đã nhiều lần quán triệt với tòa các cấp khi xét xử phải xem xét hành vi, tính chất, hậu quả của vụ án. Phải xem xét toàn diện về nhân thân cũng như những tình tiết giảm nhẹ khác để ra bản án đúng người, đúng tội, không oan sai. Việc thẩm phán lấy thời hạn tạm giam để làm căn cứ tuyên án là không đúng với tinh thần của Hiến pháp và Luật Tổ chức TAND” - Thẩm phán Huỳnh Ngọc Ánh nói.
Trao đổi với phóng viên về việc nếu bản án phúc thẩm nhẹ hơn hoặc chỉ cải tạo không giam giữ, thời gian tạm giam của các bị cáo sẽ tính như thế nào, ông Nguyễn Đức Sáu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Luật gia TP HCM (nguyên Chánh Tòa Hình sự TAND TP HCM), nhấn mạnh: “Vấn đề đặt ra trước nay theo quy định bồi thường thì chỉ xem xét có giam oan hay không, còn mức án như thế nào thì quyền thuộc về HĐXX phúc thẩm nếu xét thấy có tình tiết mới. Tuy nhiên, khi xét xử các bị cáo chưa thành niên, thẩm phán sẽ rất cân nhắc bởi việc xét xử người chưa thành niên chủ yếu giáo dục các em trở thành người có ích, có cơ hội nhìn nhận và sửa chữa sai lầm của mình”.
Bình luận (0)