Vừa qua, tại thẩm mỹ viện Chiêm Quốc Thái (TP HCM), bác sĩ (BS) Chiêm Quốc Thái đã đến phòng bệnh lì xì Tết và thăm khám cho các nữ bệnh nhân, nhân tiện livestream cảnh khám ngực, mông, hướng dẫn nữ bệnh nhân chăm sóc bộ ngực mới nâng đã gây tranh cãi trong cộng đồng
Câu hỏi xoay quanh vấn đề này được đặt ra là hành động livestream của BS Thái có đúng theo qui định pháp luật về quyền của cá nhân đối với hình ảnh.
Vấn đề này, luật sư Cao Thế Luận (Công ty Luật Kao Kiến) cho rằng theo Bộ Luật Dân sự (BLDS) năm 2015 quy định về quyền của cá nhân đối với hình ảnh thì việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được cá nhân đó đồng ý, nếu sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh.
Bên cạnh đó BLDS năm 2015 cũng qui định cụ thể những trường hợp không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ đó là khi hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, các hoạt động công cộng bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật,... mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.
Cũng theo quy định BLDS năm 2015 tại điều 32 cũng đặt ra chế tài cho việc sử dụng hình ảnh mà không có sử đồng ý của cá nhân hay sử dụng hình ảnh vào mục đích xấu gây tổn hại cho người có hình ảnh thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo qui định của pháp luật.
Một số hình ảnh khám ngực nữ bệnh nhân trong clip gốc không được che mờ nên gây tranh cãi trong cộng đồng mạng. (Ảnh cắt từ clip)
Như vậy, đối với trường hợp của BS Chiêm Quốc Thái chỉ được phép livestream trong trường hợp được tất cả các nữ bệnh nhân trong phòng bệnh đồng ý. Trong trường hợp chưa có sự đồng ý của các nữ bệnh nhân mà đã đăng tải hình ảnh lên trang mạng xã hội của mình nhằm mục đích quảng bá cho bệnh viện của mình là vi phạm pháp luật.
Nhận thấy, trong đoạn livestream của BS Thái có cả những cá nhân nước ngoài mà theo như trang cá nhân ông Thái cho rằng "Mình đã được sự đồng ý của họ, thông qua phiên dịch…". Nhưng, với việc livestream như vậy các cá nhân cũng không biết được mục đích quay, cũng như không biết việc quay được phát tán trực tiếp mà không hề có những hiệu ứng che chắn, khi đưa lên những hình ảnh đối với những vị trí nhạy cảm đối với phụ nữ.
Do đó, các cá nhân có hình ảnh được đăng tải trên hoàn toàn có quyền khởi kiện hoặc yêu cầu BS này bồi thường và chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, xin lỗi và cải chính công khai theo chế tài quy định tại điều 32 BLDS năm 2015.
Bên cạnh đó, theo điểm e, điểm g khoản 3 điều 66 Nghị định 174/2013 quy định phạt tiền 10-20 triệu đồng. Quy định này dùng để xử phạt đối với một trong các hành vi như thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật; cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác.
Bình luận (0)