Ngày 28-11, đại tá Đoàn Văn Phúc - Trưởng Công an quận 12, TP HCM - cho biết đã ký quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam bà Phạm Thị Mỹ Linh - 43 tuổi, chủ Lớp mẫu giáo Mầm Xanh, phường Hiệp Thành, quận 12 - về tội "Hành hạ người khác" theo quy định tại khoản 2, điều 110 Bộ Luật Hình sự.
Không phải vấn đề mới
Lãnh đạo VKSND quận 12 cũng xác nhận đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam của công an cùng cấp đối với bà Linh. Sau khi phê chuẩn lệnh bắt, VKSND quận 12 đã báo cáo khẩn vụ việc lên VKSND TP HCM.
Trước đó, bà Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, đã yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo TP tăng cường kiểm tra các cơ sở giữ trẻ trên địa bàn, phát hiện điểm nào không đủ điều kiện thì rút giấy phép hoặc có sự tính toán xử lý. Bà Thu cũng yêu cầu kiểm tra thông tin dư luận cho rằng một người công tác tại Công an quận 12 bảo kê cho Lớp mẫu giáo Mầm Xanh để có cơ sở xử lý.
Công an quận 12 khẳng định sẽ điều tra việc có hay không cán bộ công an bảo kê Lớp mẫu giáo Mầm Xanh, nếu có sẽ xử lý.
Ông Nguyễn Lữ Gia, chuyên gia trong lĩnh vực bảo vệ trẻ em, cho rằng tình trạng bạo lực trẻ em không phải là vấn đề mới nhưng chúng ta chưa phát hiện hoặc không thừa nhận, cho đến khi những trường hợp nghiêm trọng xảy ra gần đây được các cơ quan truyền thông phản ánh thì cộng đồng mới lên án và phẫn nộ.
Theo ông Gia, thời gian qua, các cấp chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể có nhiều cố gắng trong tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân và cộng đồng. Thế nhưng, hiệu quả đạt được vẫn chưa cao và chưa đến hết các thành phần người dân, nhất là khu vực đông người nhập cư - nơi đa số phụ huynh bận rộn kiếm sống, thiếu thời gian chăm sóc và bảo vệ con em. Hiện nay, rất nhiều phụ huynh, thậm chí là các cơ sở giáo dục, chưa hiểu được các hành vi bạo lực trẻ em là vi phạm pháp luật nên chưa có ý thức ngăn ngừa, giám sát và kịp thời tố cáo.
Bà Phạm Thị Mỹ Linh tại cơ quan công anẢnh: Sỹ HƯNG
Hết sức lo ngại
Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội Luật sư bảo vệ quyền trẻ em TP HCM, nhìn nhận nhiều nhà trẻ được cấp phép nhưng hoạt động rất tùy tiện. Cần những biện pháp rất nghiêm khắc đối với những cơ sở giữ trẻ thiếu điều kiện sinh hoạt, thiếu vệ sinh an toàn và xử lý nghiêm những ai ngược đãi trẻ em. Như vậy sẽ là bài học răn đe hơn là tuyên truyền. Phụ huynh cũng phải theo dõi sức khỏe, tâm lý trẻ, không nên giao hết trách nhiệm cho nhà trường mà quên trách nhiệm của mình.
Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục trẻ em thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cho rằng các vụ xâm hại trẻ em đang ngày càng nghiêm trọng hơn và mức độ phức tạp cũng ngày càng tăng. Chẳng hạn, vụ bạo hành trẻ em vừa xảy ra ở cơ sở mầm non Mầm Xanh có nhiều giáo viên cùng hành hạ trẻ. Đây là điều hết sức lo ngại và đặt ra vấn đề phòng ngừa, phát hiện sớm tình trạng bạo hành trẻ em trong trường học cũng như gia đình.
Phải xử lý nghiêm
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Hồng Lan đề nghị phải xử lý nghiêm những người có hành vi xâm hại trẻ em để làm gương. Về lâu dài, có 3 vấn đề cần quan tâm là: Nâng cao nhận thức cho đội ngũ giữ trẻ ở các cơ sở mầm non; người dân nếu phát hiện hành vi bạo lực, bạo hành trẻ em cần tố giác ngay và cơ quan có thẩm quyền phải xử lý nghiêm các vi phạm để làm gương.
Ông Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, bức xúc cho biết ông rất bàng hoàng, phẫn nộ và không thể chấp nhận hành vi bạo hành trẻ em của giáo viên tại Lớp mẫu giáo Mầm Xanh. Đó là hành động phản giáo dục, đi ngược chuẩn mực đạo đức con người, đạo đức nhà giáo và vi phạm pháp luật, ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý trẻ trong quá trình phát triển về nhân cách, ý thức sau này chứ không đơn thuần chỉ là nỗi đau thể xác nhất thời.
"Phải điều tra, xử lý nghiêm, không xuê xoa, nương nhẹ" - ông Thắng nhấn mạnh, đồng thời đề nghị tổng rà soát các cơ sở giáo dục mầm non trên cả nước.
Chủ tịch nước yêu cầu xử lý nghiêm hành vi bạo hành trẻ em
Chiều 28-11, Văn phòng Chủ tịch nước đã có công văn thông báo ý kiến của Chủ tịch nước Trần Đại Quang về các vụ bạo hành, xâm hại, thậm chí sát hại trẻ em xảy ra tại một số địa phương.
Theo đó, gần đây, báo chí đưa tin về nhiều vụ bạo hành, xâm hại, thậm chí sát hại trẻ em, gây tâm lý hoang mang, lo lắng cho các gia đình và bức xúc trong dư luận xã hội.
Chủ tịch nước đề nghị gửi Ủy ban Quốc gia về trẻ em, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, Bộ Công an, TAND Tối cao, VKSND Tối cao, chủ tịch UBND các tỉnh - thành phố tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về trẻ em, nhất là Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 05-11-2012 của Bộ Chính trị (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới, Luật Trẻ em năm 2016; tổ chức kiểm tra, thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật tại các trường mầm non, trường mẫu giáo, nhà trẻ, nhóm trẻ trong cả nước để phòng ngừa, ngăn chặn, điều tra, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về trẻ em.
B.T.C
Bình luận (0)