Xử tội "Giết người" là quá nặng
Chuyện xảy ra là bức tranh thường thấy liên quan đến tình trạng kẹt xe thường xuyên ở TP HCM. Chiều 19-8-2016, Nguyễn Thành Duy (SN 1981, quê Hải Phòng) dừng xe tại ngã tư Nguyễn Văn Bứa-Quốc lộ 22 (huyện Hóc Môn, TP HCM). Lúc này đường kẹt xe, xe nhích từng chút nhưng ở phía sau Bùi Liên Vũ (SN 1984) vẫn bấm còi xe liên tục.
Nguyễn Thành Duy tại phiên tòa phúc thẩm
Bị Duy trách Vũ cự cãi và dù Duy bỏ đi nhưng Vũ vẫn đuổi theo, chặn đầu xe đánh nên bị Duy đâm chết ngay sau đó. Kẻ bị ức chế và đem theo dao giết người bị tòa tuyên án 20 năm tù. Tòa phúc thẩm tuyên y án như sơ thẩm. Dù biết giết người là phải đền tội nhưng đa số bạn đọc Người Lao Động Online đều cho rằng đây là mức án quá nặng dành cho bị cáo Duy. Anh Huynh nhận xét: "Ra đường ghét nhất là nghe tiếng còi phía sau inh ỏi dù đường thì nhích từng chút. Không hiểu họ bóp còi để làm gì, trong khi chuyển hướng thì không bật xi nhan. Rất ức chế. 20 năm cho anh này cũng khá nặng vì bị đánh trước và đang trong lúc không kiềm chế".
Ai cũng biết tình trạng giao thông ở thành phố ngày càng tệ, thêm vào đó là cách hành xử thiếu ý thức của không ít người đã làm cho không khí thêm ngột ngạt, căng thẳng hơn, dễ làm cho tâm thần bị kích động, như lời chị Miss chia sẻ: "Mình sống ở Sài Gòn nên cũng hiểu và thông cảm cho anh này. Kẹt xe, nóng bức ai cũng muốn đi cho nhanh chứ ai muốn ở lại làm gì. Vậy mà một số người rất mất lịch sự, bấm còi inh ỏi... Xử vậy là nặng quá".
Với phiên tòa của bị cáo Duy, bạn Bảo Ân đề xuất: "Theo mình xử 7 năm thôi. Thứ nhất, anh Duy không chủ động gây gổ. Thậm chí, sau khi trách xong anh cũng bỏ đi. Thứ hai, anh ra tay đâm người là do bị đánh trước. Bị đánh không lẽ xuôi tay để người ta đánh. Sau khi giết người đã ra đầu thú, chứng tỏ là người cứng cỏi, có trách nhiệm dám làm, dám chịu. Nên quy anh này tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ quá mức. 20 năm tù là rất nặng..." Lời nhận xét của bạn đọc này nhận được nhiều "like" của mọi người cùng một số ý khác cũng đồng thuận là nên xử bị cáo bị tội với khung hình phạt là giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ quá mức.
Bấm còi nhiều sao không phạt?
Dù ai cũng biết là đường trống người đi trước đi được sẽ nhanh chóng lưu thông để người đi sau tiếp nối nhưng trên đường phố hiện nay ngày càng có nhiều người ngang ngược, nhấn còi hối thúc, muốn người khác "biến nhanh" cho mình đi được nhanh hơn. Dù thấy xe trước bị hàng chục xe bao quanh hay kẹt xe phải nhích từng chút cũng không cần biết, cứ thế mà bóp còi hối liên tục. Đi không được thì chửi người đi trước chậm, cản trở mình, bất chấp họ già hay trẻ, trai hay gái.
Việc bị thúc giục, bị chửi vô cớ lâu ngày dễ dẫn đến ức chế và bùng phát khi người tham gia giao thông không thể kiểm soát được cảm xúc nóng giận. Từ án mạng này, bạn đọc Bác Sơn khuyến cáo: "Mọi người cũng nên xem lại hành vi tham gia giao thông của mình, đừng bóp còi inh ỏi nữa. Hầu như chỉ có ở Việt Nam là tiếng còi xe ghê rợn nhất thế giới". Nhận xét này rất đúng bởi xét về kẹt xe, Thái Lan, Myanmar cũng không kém nước ta nhưng dù vậy các tài xế xe lớn lẫn xe máy vẫn kiên nhẫn với dòng xe ken dày trước mặt, không một tiếng còi thúc giục. Việc lạm dụng tiếng còi xe ở các thành phố lớn của ta đã làm bạn đọc Trần Thảo Dân cảm thán: "Bây giờ có thêm một văn hóa mới đó là "văn hóa" còi. Đi còi- đứng còi- không đi không đứng còi. Còi càng to càng nhiều mới đẳng cấp. Ôi Việt Nam ơi".
Còn nhớ, vào năm 2010, chị Lê Thị Loan đã như điên như dại khi tận mắt chứng kiến đứa con 2 tuổi của chị bị xe bồn cán chết trên đường Kha Vạn Cân, Thủ Đức. Theo nhiều người, có thể do tiếng còi hơi quá lớn của xe tải trên tuyến đường này đã làm chị Loan giật mình thắng gấp khiến bé gái con chị rơi khỏi xe và bị xe bồn phía sau trờ lên cán chết. Bảy năm sau, không chỉ xe lớn bóp còi inh ỏi mà xe máy cũng không thua kém. Từ quốc lộ đến tận cùng ngõ hẻm, từ thanh niên đến phụ nữ, kẹt xe hay không kẹt xe- đều "gí" còi.
Theo quy định của Cục đăng kiểm thì có thể xử phạt những xe cơ giới sử dụng còi khủng, vượt quá 90 - 115 deciben trong nội thị nhưng CSGT cũng chỉ phạt đối với các loại xe trọng tải lớn mà thôi. Vậy ai sẽ xử phạt những xe máy bấm còi liên tục, như bạn đọc mimosa đặt vấn đề: "Bây giờ ra đường là cứ nghe tiếng còi xe bóp vô tội vạ, xe gắn máy lại còn gắn còi ô tô để dọa người khác, xe ô tô thì gắn còi xe buýt, vậy mà chẳng thấy các anh giao thông xử phạt. Tiếng còi xe quá lớn làm người khác giật mình, té xe, còn người thần kinh yếu thì dễ bị kích động". Bạn đọc Phạm Quang Hòa cũng bức xúc: "Tôi ghét những kẻ chạy xe ra đường, hơi tý là bóp còi inh ỏi. Thí dụ đến chỗ ngã tư, khi có đèn đỏ thì mọi xe đều dừng lại. Nhưng khi đèn xanh chưa kịp bật thì một vài kẻ đỗ sau hàng xe thứ nhất đã bóp còi inh ỏi".
Tình trạng ùn tắc giao thông và kẹt xe là bài toán nan giải của TP HCM và Hà Nội nên chỉ mong qua phiên tòa này, mỗi cá nhân chúng ta xem đó là bài học, nhận thức đúng về hành vi tham gia giao thông trên đường để không trở thành nạn nhân hay bị cáo chỉ vì một tiếng còi xe tùy tiện, vô văn hóa.
.
Bình luận (0)