Mấy ngày qua, dư luận xôn xao về vụ tranh chấp bản quyền giữa nhạc sĩ người Mỹ Zack Hemsey và ca sĩ Noo Phước Thịnh.
Nhạc sĩ Zack Hemsey kiện ca sĩ Noo Phước Thịnh đòi bồi thường vì cho rằng nam ca sĩ có hành vi xâm phạm bản quyền khi sử dụng ca khúc của ông mà không xin phép.
Theo tôi, hành vi của ca sĩ Noo Phước Thịnh được xem như là đã vi phạm quyền nhân thân của nhạc sĩ Zack Hemsey.
Căn cứ theo khoản 4, Điều 8, Bộ Luật Dân sự 2015 thì kết quả của hoạt động sáng tạo ra đối tượng quyền sở hữu trí tuệ là quyền dân sự. Căn cứ theo Điều 13 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định về bồi thường thiệt hại thì cá nhân, pháp nhân có quyền dân sự bị xâm phạm được bồi thường toàn bộ thiệt hại.
Phân tích rõ hơn, Công ước Bern 1886 về bảo hộ tác phẩm văn học và nghệ thuật mà Mỹ và Việt Nam đều tham gia, quy định cụ thể như sau: các tác giả thuộc quyền bảo hộ của Công ước Bern được hưởng quyền tác giả ở các nước liên hiệp không phải là quốc gia gốc của tác phẩm, những quyền do luật của nước đó dành cho công dân của mình trong hiện tại và trong tương lai. Sau đó, Luật Sở hữu trí tuệ 2005 của nước ta nêu rõ đối tượng được bảo hộ quyền tác giả tại Việt Nam bao gồm "Tổ chức, cá nhân nước ngoài có tác phẩm được bảo hộ tại Việt Nam theo điều ước quốc tế về quyền tác giả mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên". Luật này cũng bảo hộ vô thời hạn quyền nhân thân, bao gồm quyền "được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng". Như vậy, việc khởi kiện là hoàn toàn có căn cứ.
Theo đó, phía có hành vi xâm phạm bản quyền có thể chịu hình phạt theo quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan. Cụ thể, hành vi xâm phạm quyền sao chép tác phẩm sẽ chịu mức phạt từ 15-35 triệu đồng. Ngoài ra, phía vi phạm phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả (dỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm dưới hình thức điện tử, trên môi trường mạng và kỹ thuật số hoặc buộc tiêu hủy tang vật vi phạm).
Nghiêm trọng hơn nếu chiếu theo Điều 225 Bộ Luật Hình sự 2015, pháp luật có thể áp dụng hình phạt tù cải tạo không giam giữ đến 3 năm đối với người vi phạm.
Như vậy, pháp luật nước ta đã và đang kiện toàn các quy định liên quan về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nói chung và quyền tác giả nói riêng. Ngoài biện pháp xử lý vi phạm hành chính, biện pháp khắc phục hậu quả, pháp luật đã hình sự hóa hành vi trên.
Đây là bài học cảnh tỉnh đối với cá nhân, tổ chức vô tình hay cố ý "xài chùa" thành quả lao động nghệ thuật của người khác.
Nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng xâm phạm bản quyền, tôi cho rằng cơ quan quản lý phải đóng vai trò chính trong việc nắm bắt và tuyên truyền các quy định mới và hiện hành của pháp luật sở hữu trí tuệ. Đồng thời, người dân nên thực hiện vai trò chủ động nhận biết khi quyền sở hữu trí tuệ của mình và những người xung quanh bị xâm hại, chủ động lên tiếng mạnh mẽ.
Ngoài ra, khi các cá nhân, tổ chức bị xâm phạm thì cần nhanh chóng thông báo đến các cơ quan để kịp thời xử lý và bảo vệ quyền của mình.
Bình luận (0)