Từ đáng thương đến “bất nhân bất nghĩa”
Phẫn nộ với hành động của một thiếu niên 18 tuổi, có tiền chỉ biết ăn chơi, đuổi mẹ ra khỏi nhà, nhiều bạn đọc bức xúc lên án Hào Anh, cậu bé mà 4 năm trước là nạn nhân của sự bạo hành, ngược đãi. Bạn bất bình và nhiều người khác cho rằng cớ sự là do bản chất của Hào Anh vốn đã hư hỏng từ thuở nhỏ: “Lòng thương hại của bàn dân bá tánh đặt không đúng chỗ với tên oắt con này rồi. Chính tôi cũng mủi lòng... trong những kỳ báo đăng về hoàn cảnh "tội nghiệp" của nó 4 năm trước, thế mà nó trả ơn cho những ân nhân giúp đỡ nó trở lại hình hài "con người" như vậy đó, trả ơn dưỡng dục sinh thành cho cha mẹ nó như vậy đó. Từ đây về sau còn ai giúp đỡ và nói tới cậu bé sớm hư hỏng này không?...viết tới đây tôi chợt nghĩ đến vợ chồng người chủ trại tôm đang thụ án trong tù vì hành vi hành hạ Hào Anh, nếu biết được tin động trời này thì họ cười đấy... không có lửa sao có khói, thằng nhỏ này "quậy quá" và lười nữa, nên họ mới ra tay "mạnh" như vậy”
Anh Le Quang TG mắng "thẳng tay": “Một kẻ bất nhân bất nghĩa. Không biết trân trọng những gì xã hội đã cưu mang. Sử dụng đồng tiền nhân nghĩa một cách phung phí. Có được những đồng tiền nhờ lòng tốt và sự thương xót của mọi người nên giờ đây cứ nghĩ ta đây có tiền nên coi thường mẹ ruột”. Còm của Dân Trí cũng gay gắt không kém: “Nên cho Hào Anh vào trại cải tạo vì tội ngược đãi cha mẹ thì mới mong Hào Anh trở thành công dân tốt”.
Thương cảm với hoàn cảnh của cậu bé bị chủ ngược đãi hơn 4 năm trước nên giờ nghe cậu thanh niên Hào Anh ác tâm, ngược đãi mẹ ruột, đã có ý kiến cực đoan cho rằng: “Trái tim của Người làm Từ thiện đặt không đúng chỗ, tên này cần phải được giáo dục bằng pháp luật (ngược đãi người thân). “Lòng hảo tâm của chúng ta đã bị lợi dụng và đặt không đúng chỗ... Tội nghiệp mẹ, cha dượng và em của Hào Anh!”. Thậm chí, nặng nề hơn bạn Công Lý đề nghị: “Pháp luật cần phải nghiêm trị những kẻ mất dạy này”.
“Phần nhiều do giáo dục mà ra”
Dù không ít ý kiến cho rằng tự bản thân Hào Anh hư hỏng, nhưng nhiều hơn hết vẫn là ý kiến thiên về Hào Anh không được giáo dục, không có ý thức nên hậu quả này là chuyện tất yếu xảy ra.
Điều ai cũng thấy là có rất nhiều điều cần phải nói về cách dạy dỗ và chăm sóc con của bà Nguyễn Thị Thoa (mẹ Hào Anh). Việc Hào Anh tiêu tiền chóng vánh, ngược đãi mẹ ruột là do Hào Anh có nhiều tiền mà không học được cách sử dụng đồng tiền như thế nào. Bạn đọc Thami thẳng thắn quy trách nhiệm cho xã hội: “Tương lai Hào Anh chẳng mấy gì sáng sủa mà người lớn chúng ta cũng phải có một phần trách nhiệm. Chúng ta thường không cho tiền con cháu bừa bãi vì sợ chúng hư, không cho con cháu bỏ học quá sớm vì mong chúng có bằng cấp, có đủ tri thức vào đời, không cho con cháu chơi game mà lơ là việc học hành... Những điều chúng ta không làm với con cháu mình thì chúng ta lại làm với Hào Anh: cho tiền tỉ, muốn học thì học, không thích thì bỏ ngang, chơi game sáng đêm. Cậu ta mà ngoan mới là chuyện lạ”.
Đồng tình với quan điểm trên nhiều ý kiến cho rằng chính việc có nhiều tiền mà không có nghề nghiệp, không được định hướng để sử dụng đồng tiền đó hiệu quả nên đưa đến Hào Anh trở thành một người ác tâm và ích kỷ. “Còm” của cô Sáu nhận xét: “Lẽ ra trước kia số tiền đó được cơ quan giám hộ trích dần để cho cậu bé này ăn học hoặc hướng nghiệp đàng hoàng, thì lại để cậu ta lao động kiếm ăn đủ 18 tuổi lãnh '1 cục', thành ra cậu ta không có nghề ngỗng và đạo đức gì cả, ngoài kỹ năng đường phố”.
Qua vụ Hào Anh ngược đãi mẹ ruột nhiều bạn đọc đã lên tiếng về cách làm từ thiện như thế nào cho đúng mà không để cho người thụ hưởng trở thành người xấu từ những đồng tiền mà mọi người giúp đỡ. Bạn Nhổ Tóc Bạc phê: “Tôi nghĩ cậu bé Hào Anh có vấn đề về trí tuệ nên trước đây không nghe lời mới bị hành hạ ra nông nỗi vậy. Những tưởng bài học về sự nghèo khó còn đó, Hào Anh sẽ thấm thía, xây dựng lại cuộc đời dựa trên sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm. Giờ đọc bài báo này càng khẳng định rằng Hào Anh không phải là một công dân tốt, chưa "giác ngộ" được giá trị sức lao động và tôi tự đặt câu hỏi phải chăng tiền cho cậu ta một cách dễ dàng nên cậu ta không biết tiết kiệm, không biết giá trị của sức lao động? Tiền làm thay đổi ý thức của con người, nên về sau các nhà hảo tâm cũng nên đặt ra vấn đề hỗ trợ học nghề, học văn hóa chứ không chỉ cho tiền là xong”. Đồng tình với quan điểm này, anh Lê Tuyên nói: “Tôi thiết nghĩ khi làm từ thiện thì có nên chăng chúng ta có một tư duy đúng, đó là giúp đúng đối tượng, giúp đối tượng đúng phương pháp. Với những trường hợp như Hào Anh nên cho cậu ta cái cần câu hơn là cho con cá vì cá ăn rồi sinh lười nhác và sinh hư hỏng”.
“Còm” được like nhiều nhất là ý kiến của hương giang đặt sự giáo dục lên hàng đầu với thanh thiếu niên để làm nền móng cho tư tưởng và nhân cách sống cho thanh niên, thế hệ tương lai của đất nước. “Từ vụ này có thể suy ra: Xây dinh thự cho hoàng tráng mà không chăm lo đến giáo dục và đạo lý thì hậu quả sẽ ra sao! Giáo dục nên cưỡng bách và miễn phí vì giới trẻ là những người sẽ kế thừa đất nước sau này”.
Dù nói gì đi chăng nữa, việc phê phán một con người vẫn dễ hơn là giúp cho người đó sống tốt hơn. Như nhiều người vẫn nghĩ: "Được sống đã tốt nhưng sống được mới tốt". hành động ngỗ ngược này của Hào Anh là đáng lên án và xử phạt, tuy nhiên, đây cũng chưa phải là dấu chấm hết cho tương lai một thiếu niên mới 18 tuổi, bị chấn thương tâm lý từ lúc thiếu niên.
Người Lao Động Online nghĩ như bạn đọc chienusd@yahoo.com đã mở lòng, là trường hợp của hào Anh đáng trách nhưng không nên lên án nặng nề: "Những ngày tháng bị hành hạ đã khiến tinh thần cậu bé bị sang chấn, cộng với việc thiếu dạy dỗ dưới một gia đình nên Hào Anh trở nên như vậy.. Lúc này, Hào Anh cần được giải thích, khuyên nhủ hơn là trừng phạt.. Cộng đồng đã giang tay với cậu 1 lần, bây giờ thêm một lần cũng không uổng phí, nhưng sự giang tay ra bây giờ là những định hướng, giáo dục chứ không phải là giúp đỡ vật chất, càng không phải là sự xa lánh, trừng phạt, lên án".
Bình luận (0)