Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, luật sư Trần Thu Nam, Trưởng Văn phòng Luật sư Tín nhiệm và Cộng sự, cho biết chiều 21-4, ông Lê Minh Khương đã chính thức ký đơn mời luật sư tư vấn bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Theo đơn này, luật sư Trần Thu Nam được ủy quyền liên hệ với hãng hàng không Vietnam Airlines (VNA) để làm rõ sự việc của ông Lê Minh Khương trên chuyến bay VN1169 ngày 18-4.
Thêm nhân chứng phản đối VNA
Ông Nam cho biết người đồng ý làm chứng cho thân chủ của mình là ca sĩ Quang Hà, ông Quang Cường - người quản lý của ca sĩ Quang Hà và một nữ hành khách tên Thủy. Các hành khách này đều khẳng định ông Khương có thái độ bình tĩnh, không la hét, gây rối khi yêu cầu tiếp viên trả lại thẻ lên tàu (cuống vé).
Khi nhân viên an ninh được điều động lên máy bay, ông Khương đã về chỗ của mình ở khoang hạng Y, không phải ở khoang hạng C như thông cáo của VNA. “Tôi là người chứng kiến sự việc, thấy chuyện bất bình nên mong muốn góp tiếng nói để hãng vận chuyển đối xử tốt hơn với khách hàng” - ca sĩ Quang Hà nói với báo chí.
Một hành khách khác có mặt trên chuyến bay VN1169 là đạo diễn Trần Lực cũng lên tiếng trên một tờ báo rằng ông Khương bị lực lượng an ninh can thiệp thái quá. Vì ngồi cách ông Khương vài hàng ghế, đạo diễn Trần Lực được chứng kiến vụ việc và nhận thấy thông tin của VNA đưa ra không đúng sự thật. Những hành khách này đều tỏ ra bất bình trước cách ứng xử thái quá của tiếp viên trưởng VNA và lực lượng an ninh vì sự việc không đến mức phải làm nghiêm trọng như vậy.
Ông Lê Minh Khương (trái) trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động chiều 21-4. Ảnh: SƠN TÙNG
Sau khi áp giải ông Khương xuống sân bay Đà Nẵng lúc rạng sáng 19-4, Công ty Dịch vụ An ninh hàng không Đà Nẵng đã lập biên bản chuyển người vi phạm cho Cảng vụ Hàng không miền Trung giải quyết theo thẩm quyền nhưng ông Khương đã về Hà Nội để khám thương và tiếp tục công tác, giấy tờ tùy thân vẫn do Cảng vụ Hàng không miền Trung giữ.
Ông Khương đã ký nhận vào biên bản nhưng ghi rõ “Tôi không công nhận nội dung trong biên bản, tôi không vi phạm”. Theo luật sư Nam, ông Khương đã bỏ ý định kiện VNA vì không có điều kiện về thời gian và cũng không muốn đòi quyền lợi. “Thân chủ của tôi là người thường xuyên đi lại bằng máy bay, có hàng chục quyển hộ chiếu và có thẻ hội viên hạng Titan của VNA. Ông Khương không hài lòng với cung cách phục vụ của VNA và chỉ muốn làm rõ đúng, sai. Nếu nhân viên của VNA làm sai thì phải lên tiếng xin lỗi hành khách” - luật sư Trần Thu Nam nói.
Ông Khương có thể bị xử phạt
Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh cho biết: Theo nội dung báo cáo của các bên liên quan gửi về Cục Hàng không Việt Nam, nhân viên an ninh hàng không đã làm đúng quy trình. Khi đi máy bay, hành khách cần tuân thủ tuyệt đối chỉ dẫn của cơ trưởng và tiếp viên. Nếu hành khách có các hành vi bất thường, có nguy cơ ảnh hưởng tới sự an toàn của hành khách và chuyến bay, cơ trưởng có toàn quyền quyết định đến việc có tiếp tục chuyên chở hay dừng thực hiện chuyến bay.
Cái sai của hành khách Lê Minh Khương là không trở về chỗ ngồi của mình theo yêu cầu của tiếp viên khi máy bay đã lăn bánh nên tổ bay phải yêu cầu bộ phận an ninh can thiệp. Theo quy định, khi lực lượng an ninh lên máy bay, họ không có nhiệm vụ giải thích, nghe báo cáo mà sẽ can thiệp ngay theo yêu cầu cụ thể của tổ bay để không làm ảnh hưởng đến cả chuyến bay.
Do ông Khương không chấp hành yêu cầu xuống máy bay nên lực lượng an ninh buộc phải cưỡng chế. Về việc “ra tay” thái quá của lực lượng an ninh đến mức ông Lê Minh Khương phải kêu cứu, ông Lại Xuân Thanh cho rằng mức độ cưỡng chế thế nào tùy thuộc vào sự đánh giá và quyết định của những người trực tiếp thi hành nhiệm vụ. “Khi đã buộc phải cưỡng chế, hành khách bị ảnh hưởng đến sức khỏe là khả năng hoàn toàn có thể xảy ra” – ông Thanh nói.
Chiều 21-4, Cảng vụ Hàng không miền Trung đã họp với các bên liên quan về việc xử phạt hành chính đối với hành khách Lê Minh Khương theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng. Theo đó, ông Khương có thể bị phạt từ 1.000.000 - 3.000.000 đồng về hành vi vi phạm trật tự kỷ luật trên máy bay hoặc bị áp mức phạt từ 500.000 – 1.000.000 đồng về hành vi không tuân theo hướng dẫn bảo đảm an ninh an toàn trên máy bay.
Nếu không đồng ý với cách xử lý này, ông Khương có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện ra tòa. Riêng chi tiết bố ông Khương là ông Lê Văn Vượng cũng bị bẻ tay khống chế xuống máy bay, Cục Hàng không Việt Nam đã yêu cầu báo cáo rõ và các bên khẳng định ông Vượng có hành vi, lời nói gây cản trở nhưng lực lượng an ninh không sử dụng vũ lực với ông Vượng. Nếu có những bằng chứng cho thấy sự việc diễn ra không đúng như biên bản tường trình của các bên liên quan, Cục Hàng không Việt Nam sẽ thẩm tra lại so với nội dung được báo cáo.
Biên bản không đúng thực tế?
Biên bản vi phạm hành chính do tiếp viên trưởng Trịnh Thị Hoa lập lúc 2 giờ ngày 19-4 không đúng quy định. Cụ thể là không ghi số biên bản, nêu hành vi vi phạm hành chính của hành khách là “đòi xuống tàu bay tại Đà Nẵng, la hét lớn…” nhưng không nói rõ hành vi nêu trên đã vi phạm điều khoản nào của Nghị định 60/CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng. Có 2 hành khách làm chứng ký vào biên bản này.
Còn tại biên bản vụ việc, tiếp viên ghi rõ “… hành khách này ngồi trên khoang hạng C yêu cầu trả lại boarding pass (cuống vé) do phía mặt đất giữ và không chịu về chỗ ngồi…”, nhưng cuối biên bản lại chèn vào một dòng “Nhân viên mặt đất Đà Nẵng đã trả thẻ 37J cho khách” (thẻ của ông Khương là 37K). Trong khi đó, ông Khương cho biết đến nay ông vẫn chưa được trả lại cuống vé. |
Tôi sẽ không bao giờ đi VNA
Ông Lê Minh Khương đã nói như vậy với phóng viên Báo Người Lao Động vào chiều 21-4. Ông Khương cho biết: “Hiện tôi vẫn đang rất đau và mệt mỏi. Đây là sự việc đáng tiếc và tôi không muốn nhắc đến nó nữa”.
Ngay sau khi bị nhân viên an ninh tại sân bay Đà Nẵng đưa khỏi máy bay, HLV Lê Minh Khương đã được người của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Đà Nẵng và Trung tâm Huấn luyện Thể thao quốc gia III đưa đi khám sơ bộ. Sau khi về đến Hà Nội, ông Khương đã đi khám tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và Bệnh viện Saint Paul.
HLV Lê Minh Khương cho biết: “Dù tay, bụng và cổ của tôi vẫn đang rất đau nhưng do công việc bộn bề nên tôi đã trở lại làm việc bình thường”. Ông Khương khẳng định: “VNA không có lỗi mà chỉ một số nhân viên của họ gồm tiếp viên cũng như nhân viên an ninh thiếu tôn trọng khách. Tôi muốn những người đã làm sai hãy biết nhận lỗi và VNA hãy gửi một lời xin lỗi công khai chứ không cần bồi thường tiền”.
Trước thông tin VNA dự định từ chối vận chuyển ông Lê Minh Khương trên các chuyến bay của mình, ông Khương nói: “Càng tốt, vì chắc chắn tôi sẽ không bao giờ lựa chọn VNA làm phương tiện đi lại nữa”.
Ông Khương giải thích rằng do hiểu Luật Hàng không nên ông đã không phản ứng lại những hành động bạo lực của nhân viên VNA khi bị hành hung trên máy bay.
Riêng ông Lê Văn Vượng, cha của HLV Lê Minh Khương, người cũng có mặt trên chuyến bay, cho hay: “Con trai tôi không nói dối. Chính tôi cũng bị nhân viên an ninh bẻ tay. Thế nên việc VNA nói rằng chúng tôi vu oan cho họ là không thể chấp nhận được”.
Mạnh Duy |
Bình luận (0)