Ngày 2-1, người dân và chính quyền địa phương xã Quảng Sơn, huyện Đắk G’long, tỉnh Đắk Nông đã đến chia buồn, chung tay tổ chức tang lễ cho anh Đặng Anh Quốc (SN 1980). Cháu Đặng Anh Giáp (SN 2007, con trai anh Quốc) đã đưa về nơi an nghỉ cuối cùng vào rạng sáng cùng ngày. Riêng anh Lý Văn Tiến (SN 1987, em vợ anh Quốc) đã được người thân đưa về nhà bố mẹ đẻ ở tỉnh Gia Lai để lo hậu sự.
Trong căn nhà gỗ lụp xụp, chị Lý Thị Mai (SN 1984, vợ anh Quốc) lúc tỉnh lúc mê từ khi biết tin 3 người thân của mình ra đi. Thỉnh thoảng, chị Mai lại gào khóc kể về những dự định tốt đẹp của gia đình. “Anh đã nói với em dù khó khăn thế nào cũng phải cố gắng làm ăn để lo cho các con ăn học nên người. Giờ anh nhường mạng sống của mình cho mẹ con em mà đi, rồi đây ai sẽ lo cho mẹ con em…” - chị Mai nói trong đau đớn.
Theo chị Mai, bình thường chỉ có 2 vợ chồng đi thuyền qua hồ thủy điện Đắk N’Teng để làm rẫy. Trước hôm xảy ra vụ lật thuyền, 2 con được nghỉ học nên vợ chồng chị đưa 2 con cùng em trai chị Mai vào rẫy phụ hái cà phê. Sáng 1-1, cả gia đình 5 người leo lên chiếc thuyền chở mấy bao cà phê chèo qua lòng hồ để về nhà. Đi được một đoạn thì gặp gió lớn, thuyền tròng trành, nước tràn vào, thuyền nhanh chóng chìm xuống lòng hồ. Một mình anh Quốc vật lộn, cố gắng cứu sống người thân.
Còn theo lời kể của ông Ngô Anh Sáng, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Sơn, trước đó chính quyền địa phương đã phát cho gia đình chị Mai 2 chiếc áo phao. Sáng 1-1, gia đình ra bến thì phát hiện mất 1 chiếc áo phao, còn 1 chiếc, cả nhà nhường nhau nên cuối cùng không ai mặc. Khi thuyền bị lật, anh Quốc cố gắng đẩy từng người ngoi lên mặt nước. May lúc đó một chiếc thuyền người dân trên hồ phát hiện, chạy tới ứng cứu. Anh Quốc đưa được con gái là Đặng Thị Thảo Vy (SN 2011) và chị Mai lên thuyền rồi quay lại tìm cháu Giáp và anh Lý Văn Tiến (SN 1987) thì đã kiệt sức nên cả ba chìm xuống lòng hồ.
“Một điều đáng tiếc là không ai mặc áo phao. Nếu có một người mặc áo phao sẽ giảm được nguy cơ tử vong vì lúc này những người khác có thể bám vào đó để cầm cự và anh Quốc sẽ đỡ tốn sức hơn”- ông Sáng nói.
Bà Nông Thị Tươi (người nhà anh Quốc) ngậm ngùi kể năm 2015, gia đình Quốc thuộc diện hộ nghèo, 2 vợ chồng suốt ngày đi làm thuê để lo cho 2 con. Tu chí làm ăn, chịu khó trồng xen cà phê, hồ tiêu, cao su nên vừa thoát khỏi diện hộ nghèo. Những công sức bỏ ra giờ đã đến kỳ thu hoạch, những tưởng một cuộc sống tốt đẹp sẽ đến với gia đình. Không ngờ…
Sáng 2-1, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, cho biết chính quyền địa phương đang tiếp tục vận động hỗ trợ gia đình chị Mai. Bước đầu, chính quyền các cấp đã hỗ trợ được gần 20 triệu đồng để phụ giúp gia đình lo tang lễ cho 3 nạn nhân. Hiện chính quyền xã đang phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Đắk G’long tiếp tục vận động hỗ trợ gia đình nạn nhân, giúp họ vượt qua nỗi đau.
Đề xuất xây cầu cho dân
Theo ông Ngô Anh Sáng, sau khi hồ thủy điện Đắk N’Teng xây dựng, người dân phải đi qua đập thủy điện nhưng con đường này khá xa và lầy lội nên người dân thường xuyên phải di chuyển bằng thuyền. Hiện có khoảng 100 hộ dân ở phía bên này lòng hồ nhưng lại làm nương rẫy phía bên kia hồ, thường qua lại hồ thủy điện bằng thuyền, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn. “Hôm 1-1, lãnh đạo tỉnh xuống chỉ đạo công tác cứu hộ và thăm hỏi gia đình nạn nhân, UBND xã đã kiến nghị với tỉnh xây dựng 1 cây cầu cho người dân qua lại” - ông Sáng nói.
Bình luận (0)