Bởi lẽ, gỗ không phải là một cây kim; khai thác, vận chuyển gỗ là một hoạt động không hề im ắng. Nếu không có sự tiếp tay của những “lâm tặc mặc áo xanh” thì hẳn những cánh rừng bạt ngàn, trải suốt chiều dài đất nước sẽ không ngày càng còi cọc, thưa thớt như vậy.
Điều tôi bất ngờ và thật sự chua xót trong vụ này chính là sự độc ác đến mức lạnh người của 3 cán bộ kiểm lâm khi bỏ mặc những người bị nạn để tháo chạy trong đêm; sự trơ trẽn của ông Trịnh Thanh Long khi phát biểu với báo chí khi thuộc cấp của ông khai ra ông là chủ nhân của số gỗ lậu.
Qua thông tin trên báo chí, các ngành chức năng xác định có khả năng 14 người đi bốc gỗ thuê nằm trên đống gỗ, sau đó phủ một tấm bạt lên vì đêm đó trời rất lạnh. Vì tấm bạt này họ không thể nhảy khỏi xe khi xe tuột dốc và bị gỗ đè chết 10 người.
Đêm đó, trên chiếc xe xui rủi còn có ông Đào Công Thắng, Trạm trưởng trạm kiểm lâm trung tâm và ông Nguyễn Kim Hùng, kiểm lâm viên. Vì là “sếp” và đang đi làm nhiệm vụ “bảo kê” gỗ lậu theo chỉ đạo của cấp trên nên hai ông ngồi trên cabin chứ không phải túm tụm trên mui xe như những con người khốn khổ kia.
Sau khi tai nạn xảy ra, một chiếc xe con khác do Phan Sỹ Tuấn - Trạm trưởng trạm kiểm lâm Nga My - Tương Dương, Ngô Tuấn và Phúc - cán bộ Trạm kiểm lâm Nga My quay lại để đón “đồng bọn” và bỏ mặc những người phu bốc vác số chết, số bị thương nặng nằm thoi thóp trong đống gỗ ngổn ngang.
Giá như họ dừng lại, giúp đỡ đưa những người bị nạn ra khỏi đống gỗ, dùng xe con đưa đi cấp cứu những người bị thương nặng thì có khả năng 3 nạn nhân còn lại không chết tại bệnh viện.
Thế nhưng, vì để giấu “bộ mặt chuột” họ đã lạnh lùng tháo chạy trong đêm…
Phá rừng và tiếp tay phá rừng là một hành vi tàn ác với thiên nhiên, với thế hệ con cháu. Thế nhưng, cái hậu quả nhãn tiền của việc phá rừng có lẽ không được sắc nét, rõ ràng hơn những quyền lợi vật chất mà những lâm tặc nói chung và lâm tặc áo xanh nói riêng được hưởng. Có lẽ vì vậy mà họ không cho đó là ác.
Nhưng chứng kiến cả chục con người đang oằn oại trước cái chết mà chỉ lo tháo chạy thì liệu lương tâm của những con người đó có cho là ác không?
Trong vụ này, những kiểm lâm đó chẳng những không xứng mặc áo xanh của người giữ rừng mà còn không xứng là một con người bình thường.
Tôi được biết, pháp luật có quy định việc thấy người bị nạn, có khả năng cứu giúp mà không cứu là sẽ bị truy tố về “Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng”, theo điều 102, Bộ Luật Hình sự.
Trong vụ việc này, tôi đề nghị các cơ quan pháp luật xem xét thêm tội danh trên đối với các cán bộ kiểm lâm vô lương tâm này.
Ngoài rùng mình thái độ vô cảm của các kiểm lâm tôi còn cảm thấy bẽ bàng cho ông Trịnh Thanh Long, Phó giám đốc kiêm Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Ban quản lý khu bảo tốn thiên nhiên Pù Huống.
Đọc báo Người Lao Động sáng nay, 14-12, tôi thấy buồn cười khi trả lời PV trước khi bị bắt, ông Long cứ khẳng định mình vô can hoàn toàn, và cho rằng ông bị lâm tặc và một số cán bộ trước đây đã bị ông ngăn cản không cho đưa gỗ lậu ra khỏi khu vực do ông quản lý và đã lợi dụng việc có 2 cán bộ dưới quyền ông đi trên xe gỗ đã “tát nước theo mưa” nhằm “chơi xấu” ông.
Với thâm niên 9 năm giữ rừng của ông Long, rừng vẫn chảy máu ào ạt. Với bằng cao cấp chính trị, ông vẫn bị bắt khẩn cấp về hành vi “Vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng”. Ông nói ông chẳng dại gì dính vào chuyện gỗ trái phép. Nhưng khi bị bắt rồi ông có ngẫm lại và cho là “dại” hay là “xui”?
Nói gì thì nói, chữ “dại” hay “xui” trong việc tiếp tay phá rừng đều phản ánh một suy nghĩ đáng buồn của những con người gác rừng.
Tôi nghĩ, nếu một kiểm lâm có trách nhiệm, biết quý rừng, biết đau với nạn chảy máu rừng thì sẽ không dùng chữ “dại”. Vì chữ dại đối với trường hợp này chỉ là vì không muốn mất vị trí, chức tước chứ không vì nghĩ đến rừng.
Có lẽ mơ ước chuyện một người kiểm lâm biết yêu quý rừng thật sự chứ không phải gác rừng chỉ vì nhiệm vụ là hơi xa vời. Vậy nên, chắc chỉ mong những người gác rừng thật sự nghĩ đến chữ dại.
Vậy mà đáng tiếc, trong vụ việc này, ông Long và các kiểm lâm khác đã không nghĩ đến chữ “dại” mà chỉ nghĩ đến chữ “lợi”. Vì chữ “lợi” mà rừng vẫn còn chảy máu và nếu nhìn theo kiểu bắc cầu thì vì chữ “lợi” đó là 10 người mất mạng oan uổng.
Sắp tới, cơ quan điều tra sẽ làm rõ những sai phạm của các kiểm lâm và có hướng xử lý nhất định. Việc xe gỗ lậu này làm lộ ra “mặt chuột” của nhiều kiểm lâm làm lòng tôi vẫn thấy trĩu nặng. Nghĩ đến 10 mạng người chết thảm vì xe gỗ lậu đó, tôi thấy chua chát trước cách suy nghĩ và trả lời của ông Long.
Bốn kiểm lâm bị bắt lần này toàn giữ những chức vụ cao trong ngành kiểm lâm. Qua đó cho thấy phá rừng không phải một cá nhân nào ra tay mà luôn có bộ sậu, có tổ chức từ trên xuống dưới. Với tình hình này thì rừng chảy máu đến bao giờ và chẳng lẽ phải đợi những vụ lật xe kinh hoàng xảy ra như vừa qua thì “mặt chuột” mới thật sự “lòi” ra?
Bình luận (0)