Sau khi Báo Người Lao Ðộng số ra ngày 11-6 đăng bài "Lùm xùm đấu thầu 4 tuyến xe buýt" phản ánh việc đơn vị trúng thầu đã sử dụng sai loại xe so với hồ sơ mời thầu, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM Võ Khánh Hưng cho biết đã yêu cầu Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng TP báo cáo vụ việc và đã phê bình, rút kinh nghiệm. "Sở sẽ có phản hồi cho báo, nhằm tránh những việc tương tự cho các gói thầu sau này" - ông Võ Khánh Hưng nói.
Xe buýt tuyến số 1 của Liên danh Bảo Yến - HTX số 28 tại trạm Bến Thành
Trong khi đó, theo báo cáo của Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng TP thì trung tâm này khẳng định trong quá trình triển khai lựa chọn nhà thầu, trung tâm đã tuân thủ đúng trình tự thủ tục, quy định pháp luật về đấu thầu, bảo đảm công khai, minh bạch. Thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu đã được đăng tải công khai trên mạng đấu thầu quốc gia. Ðối với việc ký hợp đồng: Ngày 19-2-2021, trung tâm và Liên danh Bảo Yến - HTX 28 đã ký kết Hợp đồng số 03/TT-HÐ ngày 19/02/2021 về việc giao nhận gói thầu cung ứng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt có trợ giá trên tuyến số 1, 15, 65 và 152. Thời gian hoạt động từ ngày 1-5-2021.
Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng TP khẳng định sau khi ký hợp đồng với trung tâm, Liên danh Bảo Yến - HTX 28 làm việc, đàm phán với Công ty Cung cấp phương tiện (công ty được đề xuất trong hồ sơ dự thầu) để nhập khẩu xe 50 chỗ cho tuyến số 1, 65. Tuy nhiên, ngày 22-2, Công ty Bảo Yến nhận được thông báo của đơn vị này về việc không thể cung cấp đủ xe theo tiến độ do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Căn cứ vào điều khoản xử lý khi gặp sự kiện bất khả kháng được quy định trong hợp đồng (sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra mang tính khách quan và nằm ngoài tầm kiểm soát của các bên như động đất, bão, lũ, lụt, lốc, sóng thần, lở đất; hỏa hoạn; dịch bệnh; chiến tranh hoặc có nguy cơ xảy ra chiến tranh....), Công ty Bảo Yến kiến nghị chủ đầu tư cho phép công ty đưa ra biện pháp thay thế là đặt hàng mua mới phương tiện 47 chỗ (xe 47 chỗ và xe 50 chỗ là cùng nhóm xe 3B1-ML) được sản xuất trong nước, sử dụng trên tuyến số 1, 65 đến hết ngày 1-9-2921. Sau thời gian trên, công ty sẽ đưa chủng loại xe mới với sức chứa 50 chỗ vào khai thác trên tuyến số 1, 65 theo quy định hợp đồng.
Nhận định của Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng TP đây là sự cố bất khả kháng, qua xem xét nhận thấy hai loại xe này bảo đảm về sức chứa và chất lượng phục vụ, phương tiện mới 100%, tại thời điểm này sản lượng hành khách đang giảm do ảnh hưởng bởi dịch Covid, vì vậy giai đoạn trước mắt loại xe 47 chỗ vẫn đáp ứng yêu cầu vận chuyển hằng ngày.
Với những phân tích và quá trình xử lý nêu trên, Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng TP cho rằng đã thực hiện đúng theo các quy định xử lý hợp đồng về sự kiện bất khả kháng, điều khoản về điều chỉnh hợp đồng bảo đảm việc thực hiện hợp đồng không bị gián đoạn ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện khai thác tuyến như yêu cầu nhằm nâng cao chất lượng phục vụ hành khách. Theo đó, Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng TP có tờ trình số 41/TTr-TT đến Sở GTVT ngày 26-4-2021 về điều chỉnh nội dung công bố hoạt động của các tuyến xe buýt có trợ giá số 1, 15, 65 và 152 trong đó có nội dung điều chỉnh về chủng loại xe trên.
Bình luận về vụ việc trên, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực giao thông vận tải cho rằng trong tình hình ảnh hưởng của dịch bệnh như hiện nay thì việc nhà thầu đưa phương tiện sức chứa 47 chỗ hay 50 chỗ với chất lượng xe tương đương thì không ảnh hưởng đến việc phục vụ hành khách. Về lý do mà nhà thầu đưa ra do ảnh hưởng của dịch bệnh cũng phù hợp với tình hình thực tiễn.
Tuy nhiên, làm gì cũng phải đúng luật và công khai minh bạch. "Về pháp lý thì đã vi phạm Luật Đấu thầu, chưa kể tạo ra sự hoài nghi cạnh tranh không sòng phẳng trong gói thầu giữa các đơn vị vận tải. Ðể tránh những sự việc tương tự ở các gói thầu sau cũng như loại bỏ sự hoài nghi của dư luận, Sở GTVT nên tìm hiểu kỹ, rõ ràng nguyên nhân vụ việc" - ThS Lê Trung Tính, nguyên Trưởng Phòng Quản lý Vận tải đường bộ (Sở GTVT TP HCM), đề nghị.
Bình luận (0)