Do chính sách rộng mở tiếp nhận lao động và du học sinh nước ngoài của Nhật Bản trong những năm qua, số lượng sinh viên và người lao động Việt Nam tại đây vì vậy tăng nhanh trong những năm gần đây. Khá bất ngờ là chỉ trong vòng 6 năm gần đây, từ một quốc gia "đến sau", số lượng người cư trú đến từ Việt Nam tại Nhật đã tăng lên gấp đôi và hiện đang đứng thứ 2, chỉ sau Trung Quốc về số lượng người cư trú đông tại nước sở tại. Nhưng cũng phải thừa nhận rằng cùng với con số tổng tăng lên nhanh chóng đó, số lượng người Việt Nam vi phạm pháp luật cũng ngày càng nhiều. Các vụ phạm pháp này cần được công bố để cảnh báo và ngăn chặn hành vi tương tự trong tương lai. Tuy nhiên, trên không ít diễn đàn và trang mạng xã hội, không ít lần xảy ra tình trạng lan truyền thông tin "y như thật" làm chúng ta đau lòng không ít.
Còn nhớ, năm 2014, khi đang ở thành phố Nagoya (Nhật Bản), tôi được một biên tập viên của một tờ báo trong nước nhờ kiểm tra độ xác thực của thông tin. Cụ thể, một tài khoản Facebook đăng tin một người nông dân tại một ngôi làng ở phía Nam nước Nhật đã rất đau khổ khi bị trộm mất bò. Người chủ quyết định cắm bảng giữa đường, viết bằng tiếng Việt, nội dung là: "Không cần trả lại bò đã trộm, chỉ mong thanh niên Việt Nam dừng lại hành động không tốt đó". Tin đăng kèm hình chụp bảng chữ nói trên.
Sau khi có thông tin, tôi kết nối ngay với chủ tài khoản Facebook này. Tôi không cần phải chờ đợi lâu để biết rằng tôi… không thể nhận được câu trả lời và cũng không còn hy vọng vì tài khoản Facebook đó lập tức… biến mất sau câu hỏi của tôi: Việc đó xảy ra ở ngôi làng nào?
Đó là một trong số rất nhiều thông tin "không thật" tương tự mà bất cứ một người Việt Nam nào đang sống trên đất Nhật có dùng Facebook có thể nhận được mỗi ngày. Rất nhiều trang web và fanpage lạ (không nằm trong danh sách bạn bè, like hoặc theo dõi) sử dụng tiếng Việt xuất hiện đều đặn trên "tường" Facebook của người dùng. Thông tin đa dạng, nhiều chiều, chủ yếu viết về cộng đồng người Việt ở xứ sở hoa anh đào. Nhưng đáng nói là, quá nhiều thông tin ở đó nói về… chuyện xấu của người Việt và nếu bình tĩnh xâu chuỗi tính logic thì mọi người có thể phát hiện ra nhiều thông tin không đúng.
Việc lan tỏa và tiếp nhận thông tin như vậy rõ ràng có tác động tiêu cực đến hình ảnh và cuộc sống của cộng đồng người Việt tại đất nước này, thậm chí gây ra tâm lý không còn niềm tin vào đồng bào mình trên xứ lạ. Và có thể có kẻ tiếp tay "tát nước theo mưa" theo những lượt "share".
Thật ra, điều này không phải chỉ xảy ra với cộng đồng người Việt. Ngay cả người bản xứ cũng không ít lần khổ sở với các thông tin bịa đặt như vậy. Gần đây nhất, ngay sau cơn động đất xảy ra ở Osaka và vùng lân cận hôm 16-8-2018, không ít tin giả ngay lập tức xuất hiện. Như tin về cuộc ẩu đả vì tranh giành vật dụng giữa nhóm người Hàn và Nhật, tin về thú dữ từ các vườn thú sổng chuồng… chạy rông…
Tất cả các thông tin này đều không có… sự thật bảo chứng. Một tuần sau, chương trình phát sóng trên một kênh truyền hình vì vậy đã phát đi cảnh báo của nhà chức trách. Khi đó, tôi có thể hiểu cảm giác như bị "knock out" của cô bạn người Nhật cùng ngồi xem cái talk show vừa nói. Một đất nước được mệnh danh có tính kỷ luật và quy củ như Nhật Bản mà tin giả còn là câu chuyện đau đầu thì có thể nói, áp lực mà tin giả tạo ra cho xã hội là rất lớn. Vì vậy thách thức chống tin giả không hề nhỏ.
Có quá nhiều giả định về động cơ của việc tung các tin trên. Điều này cho thấy, ngoài các động cơ và mục đích chính trị sâu xa như phá hoại các cuộc bầu cử, an ninh quốc gia…. thì tin giả (fake news) còn có thể là mũi tên chỉa thẳng vào cuộc sống bình yên của mỗi cá nhân. Chắc hẳn sẽ có ai đó hưởng lợi từ tin giả, thậm chí rất nhiều. Nhưng cũng sẽ có không ít người trong chúng ta bị tổn hại vì tin giả đó.
Một giáo sư về an toàn thông tin đến từ một trường đại học của Nhật Bản, tại talk show nói trên, đã có phát biểu đáng lưu tâm rằng: Trong một xã hội dân chủ, mỗi người có quyền giữ quan điểm riêng nhưng không được dùng nó để đưa thông tin sai sự thật (inaccurate information), làm ảnh hưởng đến người khác. Thậm chí, tờ The Telegraph mới đây còn nhận định rằng, chính tin giả lại là mối đe dọa lớn nhất đến môi trường dân chủ, tự do tranh luận cũng như trật tự xã hội (phương Tây).
Nói cách khác, chia sẻ và tiếp nhận thông tin là quyền tự do của mỗi cá nhân nhưng duy trì một thái độ bình tĩnh và xâu chuỗi tính logic cũng như biết tìm kiếm và kiên nhẫn chờ đợi những thông tin được kiểm chứng là tiền đề quan trọng để mỗi người có thể tránh được "bẫy" tin giả, tin ảo và thậm chí là tin… suy diễn.
Bình luận (0)