Thông tin Tổng cục Cảnh sát Quản lý Hành chính về trật tự an toàn xã hội - Bộ Công an lập 14 đoàn vi hành kiểm tra lực lượng công an các địa phương khi thực hiện nhiệm vụ trong dịp Tết Nguyên đán 2013 làm nhiều bạn đọc nức lòng. Bên cạnh đó quy định CSGT phải có biển hiệu cảnh sát tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ (thẻ xanh) mới được dừng phương tiện càng làm người dân an tâm, bớt lo lắng về việc bị “làm tình, làm tội” khi ra đường.
Thẻ gì cũng xử phạt
Thực tế, nhiều bạn đọc khá bức xúc là việc dù quy định mang thẻ xanh có hiệu lực từ ngày 1-1-2013 nhưng thực tế đến nay người dân vẫn bị “quấy nhiễu” bởi các lực lượng không có thẻ này.
Bạn đọc lấy tên Thông tư, cho biết: “Trả lời báo chí lãnh đạo ngành công an đã nói như thế nhưng những ngày qua trên địa bàn xã Phước Kiểng huyện Nhà Bè - TPHCM, người dân vẫn thấy 1 nhóm cảnh sát trật tự (mặc áo xanh) đứng ngay dốc cầu Rạch Đỉa ra hiệu dừng phương tiện để kiểm tra giấy tờ và "làm tiền" người điều khiển phương tiện giao thông mà không hề lập biên bản. Vậy xin hỏi: chiếu theo Thông tư 45/2012 thì cảnh sát trật tự có quyền ra hiệu dừng phương tiện giao thông để kiểm tra xử lý vi phạm giao thông hay không?”.
Bạn đọc Xuân Thời cung cấp thêm thông tin: “Khắp tuyến QL1A nhóm cảnh sát trật tự các huyện huyện làm ráo riết, chặn xe xử phạt vô tư. Trong đoạn từ Hưng Lộc - Xóm Ngô Quyền (gần ngã ba Dầu Giây – tỉnh Đồng Nai) chỉ có 200 m mà có 2 tốp cảnh sát của huyện Suối Tre và huyện Thống Nhất “làm nhiệm vụ”. Những bất hợp lý ấy nghe nói hoài mà có gì thay đổi đâu? Đặc biệt, tối nào cũng có đua xe ở khu vực này mà không hề thấy CSTT bắt một chiếc nào trong bọn đua xe ấy”.
Sao đẩy trách nhiệm cho dân !
Trước ý kiến của Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên, Cục trưởng Cục CSGT Đường bộ, Đường sắt (C67) - Bộ Công an cho rằng: “Việc giám sát CSGT do cả xã hội làm, phát hiện trường hợp nào thì có biện pháp chấn chỉnh”, nhiều bạn đọc bức xúc: “lực lượng của Bộ Công an còn chưa xử lý nổi mấy “ông trời con” làm luật người đi đường thì dân chúng làm sao làm nổi. Bị thổi phạt biết là oan ức nhưng nói lại vài tiếng thì bị giam xe, quy là chống người thi hành công vụ… thì người dân nào dám phản ánh".
Bạn đọc Trần Bá Cương thẳng thắn: “Xin hỏi thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên: Từ trước tới nay lực lượng giám sát đã phát hiện mấy vụ CSGT tiêu cực? Hay chỉ là do báo chí phát giác. Còn vấn đề người dân giám sát thì nơi nào tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân? Cần phải công khai số điện thoại các nơi này. Và vấn đề quan trọng hơn là nơi đó có thực sự xử lý những phán ánh của người dân hay không, xử lý như thế nào ? Tại TPHCM, phòng CSGT (PC67) là đơn vị cao nhất của lực lượng CSGT thành phố nhưng ai thử phản ánh vào số điện thoại của phòng này thì sẽ biết ngay như thế nào”.
Bạn đọc Công Bằng, nói thẳng: “Trung ương huấn thị cho cấp dưới rất rõ ràng, nhưng càng xuống dưới thì loạn. Dịp Tết là thời điểm làm ăn của những thành phần CSGT kém phẩm chất gây mất lòng tin trong nhân dân. CSGT gì mà chặn đường đêm khuya, đoạn đường thì vắng, tại sao không chặn nơi thanh thiên, bạch nhật? phải chăng có gì mờ ám ?”. Bạn đọc Hoàng Phương , phân tích: “cảnh sát gia thông đòi tiền sao dám không đưa, nếu đưa thì làm sao tố cáo được. Đưa tiền rồi mà còn tố cáo không khéo mang thêm cái tội đưa hối lộ, tù như chơi”.
Đối với việc xử lý CSGT biến chất, bạn đọc Nguyễn Sài Gòn, ngao ngán: “Trước đây hàng chục năm, một lãnh đạo ngành công an đã từng nói bắt được CSGT nào nhận hối lộ 5.000 đồng thôi là còng tay tại chỗ. Nhưng rốt cuộc những CSGT biến chất chẳng ngán và ngày càng phát triển. Chắc chắn lãnh đạo ngành CSGT biết rất rõ từng cán bộ chiến sĩ của mình ai là người tận tuỵ trách nhiệm với công việc, ai là những con sâu mọt, để xử lý và loại ra khỏi lực lượng. Nhưng thực tế hiện này thì ra sao ? nạn mãi lộ quá công khai, trắng trợn mà người dâ chỉ biết chấp nhận chứ không thể làm gì khác”.
Tại sao Bộ Công an lại cấp thẻ xanh cho CSGT ? Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Người Lao Động về việc trước khi ban hành Thông tư 45/2012, Bộ Công an có tổng kết, đánh giá về các quy định liên quan đến việc CSGT tuần tra, kiểm soát trên đường, Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên, Cục trưởng Cục CSGT đường bộ, đường sắt cho biết: Các quy định sau một thời gian thực hiện đều phải tổ chức đánh giá lại. Có cái ở thời điểm vài năm trước thì phù hợp nhưng bây giờ thì không nên phải điều chỉnh. Việc xuất hiện thêm tấm thẻ xanh sẽ giúp cả xã hội và Bộ Công an giám sát, quản lý hoạt động của lực lượng này được tốt hơn.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc Bộ Công an ban hành Thông tư 45/2012 xuất phát từ những bất cập trong việc quản lý thẻ tuần tra, kiểm soát (thẻ đỏ) của lực lượng CSGT trước đây. Cục CSGT đường bộ, đường sắt và Tổng cục cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội đã phát hiện việc cấp thẻ đỏ tuần tra, kiểm soát quá tràn lan, thậm chí cấp không đúng đối tượng gây khó khăn trong việc xác định số lượng chính xác cán bộ đủ tiêu chuẩn tuần tra, kiểm soát. Sau đó lãnh đạo Bộ Công an đã có công điện yêu cầu chấn chỉnh việc này, đồng thời giao Tổng cục cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội chỉ đạo lực lượng xây dựng ngay một thông tư siết chặt việc này. Đó là lý do xuất hiện chiếc thẻ xanh với những quy định về cấp thẻ, quản lý thẻ khá chặt chẽ trong Thông tư 45. T. Kha |
Bình luận (0)