Đặc biệt, tình trạng rác thải tràn ngập tại nhiều bãi tắm công cộng diễn ra thường xuyên. Những hạn chế trên xuất phát từ công tác quản lý chưa chặt, thiếu đồng bộ. Việc xử lý các hành vi vi phạm chưa nghiêm, kèm theo đó là thái độ ứng xử đối với khách du lịch chưa chuyên nghiệp. Chính những điều đó đã để lại hình ảnh xấu cho du khách trong nước và quốc tế khi nhắc đến Vũng Tàu.
Nhìn thấy những yếu kém trong sự phát triển du lịch và bằng quyết tâm lập lại trật tự Bãi Sau, TP Vũng Tàu đã đặt ra mục tiêu nâng cao giá trị các sản phẩm du lịch cũng như xây dựng hình ảnh con người Vũng Tàu văn minh, thân thiện. Để làm được những điều đó, cả hệ thống chính trị TP Vũng Tàu đã cùng vào cuộc. Tháng 4-2016 được coi là dấu mốc quan trọng của chính quyền và nhân dân TP Vũng Tàu, khi lệnh cấm ăn nhậu, xả rác, bán hàng rong tại bãi biển được ban hành.
Ban đầu, chủ trương này gặp phải phản ứng gay gắt của những người buôn bán hàng rong ở Bãi Sau. Nhiều doanh nghiệp làm du lịch lo lắng nếu cấm ăn nhậu ở bãi biển sẽ khiến lượng khách sụt giảm. Thời điểm trên, những người trực tiếp làm công tác dẹp trật tự Bãi Sau nhận rất nhiều áp lực, từ việc bị nhắn tin đe dọa đến bị trách móc, chửi bới nặc danh. Thế nhưng, vì mục tiêu phát triển du lịch và hướng đến một Vũng Tàu xanh - sạch - đẹp, chính quyền Vũng Tàu vẫn quyết tâm thực hiện đến cùng.
Bãi biển Vũng Tàu đông khách nhưng vẫn sạch trong dịp Tết Mậu Tuất 2018
Chỉ sau một tuần ra quân, các bãi biển đã sạch đẹp hơn. Nối tiếp thành công đó, chính quyền TP Vũng Tàu đã nỗ lực triển khai hàng loạt quy định kèm theo để thay đổi bộ mặt du lịch của cả tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Chỉ sau 2 mùa duy trì, đi vào ổn định, đến Vũng Tàu, du khách rất vui khi thấy những bãi biển sạch sẽ, chất lượng phục vụ thay đổi, nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn để níu chân du khách. Bãi Sau đã hoàn toàn "lột xác", không còn tình trạng nhếch nhác, lộn xộn như trước đây.
Những dịp lễ, Tết, du khách và người dân địa phương dễ dàng bắt gặp hình ảnh bí thư, chủ tịch, các phó chủ tịch TP Vũng Tàu cùng với cán bộ các phòng, ban xuống bãi biển để giải thích, nhắc nhở du khách biết chủ trương của TP cũng như mong du khách thông cảm, ủng hộ để nâng cao chất lượng du lịch. Cũng rất nhiều lần, đích thân Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, ông Nguyễn Hồng Lĩnh, cùng đi khảo sát thực tế và đưa ra những vấn đề hạn chế, tồn tại cũng như động viên tinh thần những người trực tiếp thực hiện chủ trương cấm ăn nhậu, xả rác.
Từ năm 2016, Vũng Tàu liên tục nhắc nhở du khách, người dân địa phương có ý thức hơn trong việc giữ gìn vệ sinh công cộng. Bắt đầu từ năm 2017, chính thức xử phạt nhiều trường hợp vi phạm với số tiền nộp phạt lên tới 700 triệu đồng.
Là người có kinh nghiệm lâu năm, gắn bó với du lịch TP Vũng Tàu, ông Trần Văn Trường, Giám đốc Ban Quản lý các khu du lịch TP Vũng Tàu, nói căn cứ vào Nghị định 155/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, trong năm qua, ban quản lý phối hợp với các đơn vị đã tiến hành xử phạt nhiều trường hợp xả rác, đi vệ sinh không đúng nơi quy định. "Có những trường hợp khu du lịch nhắc nhở nhưng khách không nghe nên chúng tôi yêu cầu hỗ trợ, đoàn kiểm tra liên ngành có mặt để xử lý, kiên quyết với những người có hành vi vi phạm" - ông Trường cho biết.
Để có được thành công trong những năm qua, theo ông Nguyễn Lập, Chủ tịch UBND TP Vũng Tàu, công tác chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phải kiên quyết, trong phân công nhiệm vụ phải xác định được tính chất công việc gắn với chức năng của từng đơn vị, bộ phận, cá nhân trong chỉ đạo điều hành. Xác định công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục là bước tiền đề cho thành công, TP kiên trì trong đối thoại, giúp người dân hiểu, đồng thuận và làm theo; vận động các doanh nghiệp hoạt động du lịch đồng hành, chung tay trong việc chấp hành chủ trương; động viên, khen thưởng những cá nhân làm tốt...
Bình luận (0)