xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Vững tin vào nghiệp đoàn

Bài và ảnh: Kỳ Nam

Nghiệp đoàn nghề cá thực sự là nơi gắn kết ngư dân, vững tin vươn khơi bám ngư trường Hoàng Sa - Trường Sa

Ngày 25-9, Báo Người Lao Động phối hợp với LĐLĐ tỉnh Khánh Hòa tổ chức hội thảo “Hoạt động nghiệp đoàn nghề cá khu vực duyên hải Nam Trung Bộ”. Từ nghiệp đoàn nghề cá (NĐNC) đầu tiên thành lập vào tháng 9-2011 ở Quảng Ngãi, đến nay cả nước đã có hơn 3.400 tàu đánh bắt xa bờ tham gia vào 71 nghiệp đoàn với trên 13.000 đoàn viên. Điều này thể hiện sự lớn mạnh không ngừng của tổ chức Công đoàn đang vươn ra biển Đông bảo vệ ngư dân.

Kịp thời hỗ trợ ngư dân

Chia sẻ tại hội thảo, ông Mai Cho, Chủ tịch NĐNC xã Phổ Quang (huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi), cho biết: “Vừa rồi, tàu cá của đoàn viên Nguyễn Thanh Hùng bị chìm trên biển. Chúng tôi đã kêu gọi anh em trong nghiệp đoàn đóng góp hỗ trợ cho anh Hùng được hơn 55 triệu đồng. Số tiền có thể không lớn nhưng thể hiện tinh thần đùm bọc, đoàn kết của nghiệp đoàn, qua đó kịp thời động viên các đoàn viên”.

Từ chỗ phải tuyên truyền, vận động, giải thích cho từng ngư dân hiểu được nghiệp đoàn là gì, Công đoàn là gì, đến nay, NĐNC xã Phổ Quang có trên 1.300 đoàn viên với 130 tàu đánh bắt xa bờ. Trước đây, mỗi khi ngư dân gặp nạn không biết bấu víu vào đâu, nay họ có tổ chức hỗ trợ, đại diện nên rất nhiều ngư dân tự nguyện viết đơn xin gia nhập.

 

Ông Đỗ Danh Phương, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, trao tiền hỗ trợ ngư dân từ Quỹ Tấm lòng vàng Người Lao Động
Ông Đỗ Danh Phương, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, trao tiền hỗ trợ ngư dân từ Quỹ Tấm lòng vàng Người Lao Động

 

Ông Nguyễn Văn Thịnh, chủ tàu cá PY-95779-TS (phường 6, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên), khẳng định: “Sau khi gia nhập nghiệp đoàn, ngư dân được bảo vệ tốt hơn khi khai thác ở ngư trường Hoàng Sa - Trường Sa. Việc hoạt động trên biển cũng gắn bó, đoàn kết hơn không manh mún như trước. Đặc biệt, ngư dân được quan tâm, hỗ trợ kịp thời khi có sự cố xảy ra”.

Minh chứng cho điều này LĐLĐ tỉnh Quảng Ngãi thông tin 10 NĐNC của tỉnh từ khi thành lập đến nay đã tiếp nhận gần 23 tỉ đồng từ các tổ chức, cá nhân, nhất là từ Quỹ Tấm lòng vàng Người Lao Động, chương trình “Tấm lưới nghĩa tình vì ngư dân Hoàng Sa - Trường Sa”.

Còn theo LĐLĐ tỉnh Khánh Hòa, chỉ mới thành lập 2 năm nhưng đoàn viên của 4 NĐNC tại địa phương khi gặp khó khăn, hoạn nạn đều được sẻ chia, động viên kịp thời từ Công đoàn cấp trên và các quỹ hỗ trợ với số tiền hơn 3,4 tỉ đồng. Tương tự, các NĐNC tỉnh Bình Thuận cũng nhận được gần 4,7 tỉ đồng mua bảo hiểm thân tàu, phao cứu sinh, xây dựng, sửa chữa nhà ở của đoàn viên…

Hoàn thiện mô hình hoạt động

Bà Ngô Thị Kim Ngọc, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Quảng Ngãi, cho rằng: NĐNC là mô hình hoạt động mới, LĐLĐ tỉnh chưa có nhiều kinh nghiệm trong chỉ đạo, tổ chức và hoạt động. Chưa có cơ chế, chính sách về tài chính, hướng dẫn về chuyên môn của Công đoàn cấp trên nên hoạt động NĐNC còn lúng túng và cán bộ nghiệp đoàn chưa có kinh nghiệm tổ chức phong trào quần chúng. Chủ tịch, phó chủ tịch nghiệp đoàn không có các phương tiện làm việc đã tác động trực tiếp đến việc duy trì, phát triển hoạt động NĐNC.

“Hiện nay, mỗi địa phương có cách hoạt động nghiệp đoàn theo chính sách riêng, không thống nhất. Đề nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện mô hình này, đồng thời tiếp tục kiến nghị với Chính phủ sớm có cơ chế, chính sách cho NĐNC. Cần thường xuyên hướng dẫn chuyên môn, hỗ trợ kinh phí, phương tiện để hoạt động nghiệp đoàn phát triển” - bà Ngọc nói.

Chia sẻ cách hoàn thiện mô hình NĐNC, bà Nguyễn Thị Thu Vân, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Phú Yên, bày tỏ: Ở Phú Yên, các nghiệp đoàn phối hợp cùng bộ đội biên phòng qua mô hình tàu cá an toàn. Các thủ tục xét duyệt hỗ trợ cho mô hình này còn nhiêu khê, gây khó cho ngư dân như: thủ tục hỗ trợ xăng dầu; hỗ trợ phương tiện thông tin liên lạc; cho vay ưu đãi để mua sắm, nâng cấp phương tiện đánh bắt; giúp đỡ khi bị thiên tai, rủi ro...

Ông Nguyễn Hòa, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Khánh Hòa, cho rằng: Với nguồn thu chủ yếu từ đoàn phí của đoàn viên, mức tích lũy ít nên khi cần kinh phí thăm hỏi đoàn viên và tổ chức các hoạt động khác, nghiệp đoàn đều phải dựa vào sự hỗ trợ từ Công đoàn cấp trên.

Về vấn đề này, ông Mai Cho đề xuất: “Để có kinh phí hoạt động, nâng cao việc hỗ trợ cho các đoàn viên, các nghiệp đoàn cần mở rộng kinh doanh các dịch vụ hậu cần nghề cá theo hình thức cổ phần như: dịch vụ cung cấp nước đá, xăng dầu, lương thực đi biển; đàm phán mua bán các sản phẩm thủy sản cho đoàn viên... Các hoạt động này cần xây dựng quy chế hoạt động bảo đảm tính công bằng, hiệu quả để trích quỹ hỗ trợ cho đoàn viên”.

 

350 triệu đồng hỗ trợ ngư dân

Tại hội thảo, Quỹ Tấm lòng vàng Người Lao Động đã trao 290 triệu đồng hỗ trợ ngư dân các NĐNC tỉnh Khánh Hòa gặp nạn trên biển và 5 máy ấp trứng trị giá gần 60 triệu đồng cho UBND huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Cụ thể: 2 gia đình ngư dân bị chìm tàu được hỗ trợ 30 triệu đồng/suất; 13 gia đình có tàu hư hỏng, có ngư dân bệnh nặng, tử vong trên biển được hỗ trợ 10 triệu đồng/suất; 20 gia đình có ngư dân bị tai nạn trên biển được hỗ trợ 5 triệu đồng/suất.

Ông Đỗ Danh Phương, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, khẳng định: “Báo Người Lao Động sẽ đồng hành cùng NĐNC, cùng ngư dân vươn khơi bám biển, góp phần phát triển kinh tế, giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo