Cũng theo Nghị định 46/2016 về xử phạt vi phạm giao thông trong lĩnh vực đường bộ, khi tham gia giao thông, người điều khiển phương tiện vượt đèn vàng sẽ bị xử phạt như vượt đèn đỏ.
Có thể gây tai nạn
Bàn luận về vấn đề này, luật sư Cao Thế Luận (Đoàn Luật sư TP HCM) cho rằng mỗi tín hiệu đèn có một tính chất và ý nghĩa riêng. “Tính chất lỗi của vượt đèn vàng nhẹ hơn mức độ lỗi của vượt đèn đỏ nên Nghị định 171/2013 quy định mức phạt vượt đèn vàng thấp hơn mức phạt vượt đèn đỏ. Nếu quy định 2 mức phạt như nhau cũng có nghĩa mức độ lỗi cố ý vượt đèn như nhau. Trên thực tế, rất khó để xác định thế nào, khi nào được coi là vượt đèn vàng, ranh giới trước vạch và qua vạch dừng” - luật sư Luận phân tích.
Cũng theo luật sư Luận, nếu quy định mức phạt vượt đèn vàng cao bằng vượt đèn đỏ sẽ dẫn đến tâm lý khi bất ngờ phát hiện đèn xanh sắp chuyển sang tín hiệu đèn vàng, người điều khiển phương tiện giao thông sẽ dừng lại để tránh không vi phạm lỗi vượt đèn vàng vì mức phạt tiền quá cao. Khi đó, tai nạn giao thông còn xảy ra nhiều hơn khi người phía sau vẫn còn đang di chuyển trong phạm vi đèn xanh.
“Phạt như vậy là vô hiệu đèn vàng. Màu vàng tượng trưng cho việc cảnh báo, chú ý; màu đỏ dùng cho các biển cấm, biển cảnh báo. Như vậy, đèn vàng là để giảm tốc độ và cẩn thận chứ không phải để phạt nặng. Một số nước trên thế giới, trong đó có nước Pháp, người ta không quy định về việc phạt đối với lỗi vượt tín hiệu đèn vàng” - luật sư Luận nhấn mạnh.
Dễ nảy sinh cự cãi
Cùng quan điểm, luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn Luật sư TP HCM) cho rằng theo quy định tại điểm c, khoản 3, điều 10 Luật Giao thông đường bộ năm 2008, “tín hiệu vàng là phải dừng lại trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp. Trong trường hợp tín hiệu vàng nhấp nháy là được đi nhưng phải giảm tốc độ, chú ý quan sát, nhường đường cho người đi bộ”.
Theo đó, tín hiệu đèn vàng có tác dụng bổ trợ cho đèn đỏ và làm tiền đề để các phương tiện tham gia giao thông nhận biết, giảm tốc độ trước khi dừng hẳn ở đèn đỏ. Ở nước ta, tín hiệu đèn vàng thường kéo dài từ 1-3 giây, có nơi 5 giây trước khi chuyển sang đèn đỏ. Như vậy, có 2 trường hợp đối với đèn vàng: một là người tham gia giao thông đã thấy tín hiệu đèn vàng thì phải dừng lại trước vạch dừng. Nếu vượt qua tín hiệu đèn vàng thì lúc này được xem là vượt đèn vàng, có thể bị xử phạt theo quy định mới. Trường hợp thứ hai là vừa qua vạch dừng thì tín hiệu giao thông chuyển sang vàng, lúc này người điều khiển phương tiện giao thông được phép đi tiếp, không có sự vi phạm nào.
“Việc phân biệt giữa 2 trường hợp này có hay không có sự vi phạm tưởng chừng dễ dàng nhưng trên thực tế, ranh giới giữa chúng rất mong manh. Các nhà làm luật đang có sự đánh đồng tín hiệu đèn vàng và đèn đỏ là một, dẫn tới việc áp dụng quy định này là không khả thi” - luật sư Chánh nói.
Theo luật sư Chánh, với văn hóa giao thông ở nước ta hiện nay còn kém, tình trạng phóng nhanh, vượt ẩu, không chấp hành hiệu lệnh giao thông phổ biến trong khi các phương tiện hỗ trợ việc phát hiện vi phạm giao thông còn hạn chế thì việc quy định người điều khiển phương tiện vượt đèn vàng sẽ bị xử phạt như vượt đèn đỏ là bất cập, không hiệu quả, dễ nảy sinh cự cãi giữa người điều khiển giao thông và người điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
“Một thực tế nữa là khi thấy đèn vàng, thay vì giảm tốc độ và dừng trước vạch, người tham gia giao thông càng tăng tốc để vượt qua ngã ba, ngã tư nên nếu người tham gia giao thông phía trước chấp hành đúng quy định sẽ bị người tham gia giao thông phía sau va quệt, gây tai nạn… Nghị định 46 “đánh” vào túi tiền để nâng cao ý thức của người tham gia giao thông nhưng rất có thể tạo những tình huống khó xử, nguy hiểm khi tham gia giao thông. Khi ý thức tham gia giao thông như nhau, quy định pháp luật sẽ được áp dụng một cách hiệu quả, còn không sẽ tạo ra bất cập” - luật sư Chánh phân tích.
Mức phạt tăng cao
Theo Nghị định 46/2016, xử phạt vi phạm giao thông đối với người điều khiển ô tô và các loại xe tương tự ô tô vượt đèn vàng, đèn đỏ từ 1.200.000- 2.000.000 đồng; người điều khiển mô tô, xe máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự mô tô và các loại xe tương tự xe máy từ 300.000- 400.000 đồng; người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng từ 400.000- 600.000 đồng; người điều khiển, người ngồi trên xe đạp, xe đạp máy, người điều khiển xe thô sơ khác từ 60.000- 80.000 đồng.
Về hành vi vi phạm nồng độ cồn, người điều khiển ô tô vi phạm ở mức cao nhất (mức 3), có thể bị phạt đến 18 triệu đồng và bị tước giấy phép lái xe tối đa 6 tháng; người đi mô tô vi phạm lỗi này, mức phạt cao nhất lên 4 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 5 tháng.
Bình luận (0)