Sau 4 tháng dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ, đặc biệt là ở khu vực phía Nam, nền kinh tế đã bộc lộ những điểm yếu, hạn chế rất lớn liên quan đến chuỗi cung ứng nguyên vật liệu, hàng hóa, lao động. Đây chính là nguyên nhân khiến nhiều khâu trong chuỗi vận hành chung bị gián đoạn và chậm kết nối trở lại, nhiều ngành cố gắng nhưng hồi phục chậm.
Trong cái mất có cái được
Những mất mát do dịch Covid-19 để lại là không hề nhỏ, cả về con người lẫn nền kinh tế. Tuy vậy, nếu chỉ nhìn dưới góc độ tiêu cực, chúng ta sẽ không nhận diện được cơ hội cũng như không có động lực để vượt khó vươn lên.
Chẳng hạn, một thực tế đáng buồn là năm 2021, trên 10.000 doanh nghiệp (DN) phải rời bỏ thị trường mỗi tháng và lần đầu tiên số DN rời thị trường nhiều hơn số DN thành lập mới. Với góc nhìn bi quan, rõ ràng nền kinh tế đang mất dần những tế bào quan trọng, trung tâm của sự phát triển.
Tuy nhiên, dưới quan điểm chọn lọc, đào thải trong nền kinh tế thị trường, những DN phải rời đi là những DN không đủ mạnh, không đủ lực, nếu không lúc này thì lúc khác cũng sẽ bị đào thải. Còn những DN trụ lại đều là DN có tiềm lực lớn, có sức chống chịu cao và có khả năng thích ứng tốt trước mọi hoàn cảnh. Khi số lượng DN giảm, nhu cầu hàng hóa của thị trường thế giới tăng lên trong bối cảnh dịch Covid-19 đang được kiểm soát tốt, những DN còn trụ lại trên thị trường sẽ có thêm cơ hội tiếp cận đơn hàng và thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài. Đây là cơ sở và là cơ hội rất tốt cho một bộ phận DN quay lại, hồi phục, mở rộng quy mô nếu biết nắm bắt cơ hội.
Doanh nghiệp phải nỗ lực thích ứng, thay đổi để đáp ứng đòi hỏi của thời kỳ mới. (Ảnh chỉ có tính minh họa) Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Tương tự là câu chuyện về thị trường lao động. Nền sản xuất thâm dụng lao động với giá trị gia tăng không cao hiện nay đã hình thành một số lượng người lao động từ các vùng quê di cư đến thành phố lớn, khu công nghiệp để làm việc. Khi "cơn bão" Covid-19 quét qua, DN phải cắt giảm, ngừng sản xuất, thậm chí phá sản. Dòng người lao động kéo về quê để lại khoảng trống lớn cho DN khi bắt tay vào hồi phục. DN có thể gặp khó khăn trong việc tuyển dụng mới, khuyến khích người lao động quay trở lại, song cũng là cơ hội để chắt lọc lại lực lượng lao động theo hướng tinh gọn, hiệu quả hơn đi đôi với đào tạo lại để đáp ứng đòi hỏi của thời kỳ mới.
Nắm cơ hội và dám thay đổi
Năm 2018-2019, với hàng loạt hiệp định thương mại tự do quan trọng thế hệ mới được ký kết và có hiệu lực, xuất khẩu được tiếp thêm động lực để tăng trưởng và giữ vững vai trò là một trong những trụ cột quan trọng của tăng trưởng kinh tế. Trong 2 năm xảy ra dịch bệnh, hoạt động xuất nhập khẩu chịu sự tác động nhất định nhưng vẫn đóng góp lớn vào nền kinh tế, đặc biệt là xuất khẩu nông - lâm - thủy sản. Các thị trường quan trọng và khó tính như châu Âu, Mỹ... đều ghi nhận xuất khẩu tăng. Đặc biệt, xuất khẩu của Việt Nam sang châu Âu trong 7 tháng đầu năm nay tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tất nhiên, để tận dụng được những ưu đãi về mặt thuế quan từ các hiệp định thương mại, DN cũng phải thích ứng, thay đổi sản xuất đáp ứng tiêu chuẩn. Trong đó, quan trọng nhất là đầu tư máy móc, gia tăng hàm lượng công nghệ trong các khâu sản xuất - kinh doanh. DN lúc này như người mới ốm dậy, sức còn yếu nhưng buộc phải nỗ lực thích ứng, thay đổi để đáp ứng đòi hỏi của thời kỳ mới - thời kỳ sống chung an toàn với dịch bệnh.
Dịch bệnh khiến chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy cũng là cơ hội để thiết lập lại chuỗi giá trị mới cân bằng, phù hợp hơn trên cơ sở đào thải những DN có chi phí cao, mô hình cồng kềnh, giao hàng chậm trễ. Chuỗi giá trị mới sẽ được thiết kế theo xu hướng nhanh, gọn, hiệu quả dù chi phí đầu tư ban đầu sẽ khá cao. Thị trường thế giới đang thiếu hàng hóa, nguyên vật liệu trong bối cảnh hầu hết các nền kinh tế đang quay trở lại sau một thời gian ứng phó với dịch bệnh. Cơ hội có, quan trọng là nắm được cơ hội và dám thay đổi.
Một tín hiệu tốt là rất nhiều DN Việt Nam đã chủ động ứng dụng công nghệ số vào hoạt động sản xuất - kinh doanh, quản trị... Các cơ quan nhà nước cũng thay đổi nhanh chóng về tư duy tiếp cận công nghệ thông tin, giúp cho việc kết nối, liên thông giữa DN và nhà nước trong giai đoạn dịch bệnh được diễn ra dễ dàng, thuận lợi hơn trước rất nhiều. Những thay đổi tích cực này sẽ là nền tảng để DN tiết giảm chi phí về thủ tục hành chính, nâng cao hiêu quả kinh doanh, từng bước bắt kịp với thế giới.
Cần sự đồng hành của nhà nước
Để nhận diện và nắm bắt được thời cơ từ trong và sau dịch Covid-19, DN cần sự hỗ trợ từ phía nhà nước trong việc định hướng cũng như tạo điều kiện để có môi trường kinh doanh thuận lợi; tiếp tục được hỗ trợ về thuế, phí... Sự hỗ trợ từ phía nhà nước cần thiết song không có nghĩa DN trông chờ tuyệt đối, mất đi sự chủ động của mình. Chỉ khi 2 phía cùng chủ động, nỗ lực, nền kinh tế mới có nhiều động lực để hồi phục sớm.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 18-10
Bình luận (0)