Theo số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học 2021 - 2022, cả nước có hơn 24 triệu học sinh, sinh viên, cùng với đó là hàng triệu nhà giáo, hàng chục triệu phụ huynh học sinh. Dịch bệnh diễn biến căng thẳng, nhiều địa phương giãn cách xã hội kéo dài, người dân đối mặt với rất nhiều khó khăn về vật chất và tinh thần.
Cơ hội chuyển đổi số mạnh mẽ
Đại dịch là phép thử lớn với quá trình chuyển đổi số trong giáo dục. Không riêng gì Việt Nam, dạy và học trực tuyến không còn là điều xa lạ. Tháng 5-2021, diễn đàn trực tuyến "Lãnh đạo giáo dục và Covid-19: Những bài học từ dịch bệnh", do Khoa Giáo dục của Trường ĐH Monash (Úc) tổ chức đã mời các nhà lãnh đạo giáo dục từ khu vực ASEAN chia sẻ kinh nghiệm.
Thời điểm diễn ra diễn đàn, Philippines đang trải qua một làn sóng Covid-19 đáng báo động, giáo dục bị ảnh hưởng sâu sắc bởi việc đóng cửa và giãn cách xã hội, sự bất bình đẳng trong khả năng tiếp cận công nghệ học tập từ xa của học sinh. Các tổ chức giáo dục đã tìm cách thiết lập nhiều diễn đàn phúc lợi trực tuyến cho giảng viên, sinh viên, cộng đồng và các nhóm liên quan để cùng tìm ra giải pháp. Tại Brunei, hàng loạt hội thảo về giảng dạy trực tuyến đã kịp thời mang lại lợi ích cho mạng lưới giáo viên rộng lớn ở các trường học. Ở Malaysia, ông Roger Schultz, người đứng đầu Trường Alice, cho rằng đại dịch đã củng cố ý nghĩa thực sự của việc học tập và tầm quan trọng của các mối quan hệ, cũng như kết nối cá nhân giữa học sinh, giáo viên, phụ huynh và gia đình. Trong khi đó, Indonesia chú trọng phát triển các sáng kiến công nghệ để thúc đẩy việc học tập tích cực và độc lập của học sinh trên hàng trăm hòn đảo.
Học trực tuyến, học qua truyền hình trở thành quyết định dễ hiểu và bất khả kháng của nhiều tỉnh, thành tại Việt Nam nhưng cũng từ đây, nhiều tình huống đã xảy ra.
Về phía người học, đặc biệt là học sinh nhỏ tuổi, việc trang bị đầy đủ phương tiện phục vụ việc học đối với nhiều gia đình là một gánh nặng. Phụ huynh và giáo viên phải vất vả nhiều trong giai đoạn đầu để theo sát, hướng dẫn học sinh làm chủ công nghệ và dùng máy tính, điện thoại… một cách an toàn. Về phía người dạy, giáo án điện tử đòi hỏi sự đầu tư thiết kế công phu hơn để kích thích sự tương tác, tăng cường hứng thú của học sinh mỗi giờ lên lớp. Việc kiểm tra và thi phải vừa bảo đảm tính công bằng, nghiêm minh vừa thuận tiện, là bài toán không đơn giản. Dù ngành giáo dục đã có nhiều điều chỉnh nhưng khó tránh khỏi chất lượng giáo dục bị ảnh hưởng. Những tác động lâu dài đến tâm lý của đội ngũ nhà giáo cũng như phụ huynh, những thiệt thòi vì mất đi sự giao tiếp với xã hội của người học cũng là điều đáng quan tâm.
Ngành giáo dục cần tận dụng thời cơ để “chuyển mình” dù học trực tuyến hay học trực tiếp song song với trực tuyếnẢnh: Đặng Trinh
Thay đổi phải toàn diện, thực chất
Sau những giải pháp trước mắt, ngành giáo dục cần khẩn trương nghiên cứu, xây dựng bức tranh tổng thể cho công tác dạy - học với nhiều giải pháp cụ thể, căn cơ, phù hợp thực tiễn.
Thứ nhất, phải nhìn nhận nghiêm túc, nhất quán việc dạy và học online không phải là giải pháp tình thế, mà là một lựa chọn có tính hiệu quả, một xu hướng sẽ ngày càng phổ biến khi thế giới luôn biến đổi và không ai nói trước được sẽ còn những thách thức, vấn đề mới nào phát sinh trong tương lai.
Thứ hai, việc chuyển đổi số trong giáo dục không phải chỉ nằm ở việc di chuyển không gian vật lý của lớp học lên trên mạng mà còn là một sự "thay máu" toàn diện về cả nội dung và cách đánh giá. Có thể nỗi ám ảnh về những chiếc cặp nặng trĩu sách vở hay cảnh những cô cậu học trò gặm bánh mì vội đến trường, đến nơi học thêm… sẽ chẳng còn. Nhưng cũng đừng để trẻ phải ngồi lì hàng giờ trước màn hình, mở to mắt, căng đôi tai để cố hấp thu lý thuyết khô khan.
Hồi đầu năm học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn hướng dẫn giảm tải các môn học ở lớp 6 và 12 môn học từ lớp 7 đến lớp 12 để phù hợp với tình hình dạy và học trong điều kiện hiện nay. Việc giảm tải này nên được tiến hành tích cực trên tinh thần chắt lọc những kiến thức cốt lõi nhất để giảng dạy, dành thời gian cho trẻ tự học, tự nghiên cứu.
Việc chạy theo thành tích, ganh đua về điểm số cũng không còn nhiều ý nghĩa, thay vào đó cần quan tâm đến trải nghiệm học tập của học sinh - sinh viên. Các kỳ kiểm tra, đánh giá năng lực vẫn cần được tiến hành, song cần cân nhắc hình thức thi, độ dài bài thi phù hợp, đủ tính chuyên môn, thúc đẩy các em nỗ lực nhưng tránh tạo áp lực. Nền tảng tư duy mới là thứ mà người học cần được trang bị nhất chứ không phải chỉ là bằng cấp.
Thứ ba, khuyến khích sự năng động sáng tạo, tính khai phóng trong mỗi người thầy. Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết năm học 2020 - 2021, triển khai nhiệm vụ năm học 2021 - 2022 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị nên nghiên cứu thêm phương châm "lấy nhà trường làm nền tảng", "lấy thầy giáo làm động lực" để bổ sung cho phương châm "lấy học sinh làm trung tâm". Muốn làm được điều này, chính những người dạy cũng cần có sự tập huấn, trang bị đầy đủ cho những thay đổi mới mẻ. Như tất cả ngành nghề khác, thầy cô giáo cũng cần một thời gian biểu hài hòa để có thể vừa làm tốt chuyên môn vừa có thể nghỉ ngơi. Những đòi hỏi quá khắt khe, chi tiết trong việc báo cáo công tác giảng dạy (chẳng hạn tự ghi hình buổi giảng để làm minh chứng và đăng tải vào hệ thống điện tử của trường, chưa kể một số trường có quy định về bài tập hằng ngày và phải cập nhật điểm liên tục...) đã ngốn nhiều thời gian trong khi có thể dùng công nghệ tự động.
Bình luận (0)